Trên hành trình khách hàng thời đại 4.0, người tiêu dùng sẽ ngày càng trở nên cẩn trọng hơn với các quyết định online. Sự phát triển của các nền tảng xã hội cho các doanh nghiệp nhiều hơn một điểm chạm truyền thông tiếp xúc với khách hàng. Công chúng và khách hàng có thể nhìn thấy nhãn hàng trên facebook, tiktok, instagram, youtube. Nhưng đồng thời, họ cũng sẽ có cơ hội nhìn thấy những thứ na ná giống bạn và tưởng rằng đó là bạn, khi mà các nhãn hàng fake sẽ lấy nội dung, thậm chí logo, hình ảnh của bạn để thu hút công chúng. Mình vừa xém nữa là xuống tiền cho một dịch vụ cá nhân sau khi click vào một ảnh facebook lấy logo và nội dung quảng cáo của nhãn hàng mình biết. Nhưng sau khi click vào website phát hiện thấy có vấn đề thì mình đã kịp dừng lại. Những cú mua hàng fake ngoạn mục, những băn khoăn về niềm tin thương hiệu sẽ dẫn khách hàng tới sự cẩn trọng hơn khi giao tiếp với nhãn hàng trên mạng xã hội. Và điều này tất yếu dẫn đến câu hỏi: Website của nhãn ở đâu?
Rồi ok fine, nhất định phải có website – vì ít ra trên môi trường số, đây là nơi kiểm chứng niềm tin giúp họ. Nhưng click vào đó rồi thì sao?
Điều họ tìm thấy là gì?
+ Một số công ty đầu tư thì có đầy đủ các nội dung như: Chúng tôi là ai? Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi abc.
+ Một số công ty thì đi copy nội dung của công ty khác mà không biết rằng để có thể viết ra được những dòng chữ đó, doanh nghiệp mà họ copy đã phải dành nhiều công sức để nghiên cứu, đề ra chiến lược hành động abc, sau đó triển khai văn hóa abc trong nội bộ... mấy lời copy đó vô nghĩa khi không có hành động minh chứng).
+ Một số công ty khác có thêm mục tin tức, nhưng chỉ là một cái ảnh + thông tin hôm nay tôi làm gì, không có thông điệp giá trị nào gửi gắm trong các hoạt động tin tức đó.
+ Các công ty bán hàng luôn trên kênh website thì có các sản phẩm và giá và các công cụ hỗ trợ khách hàng mua hàng, nhưng những công ty này thường chỉ tập trung vào giới thiệu sản phẩm, ít đầu tư cho phần thương hiệu của doanh nghiệp.
Đối với khách hàng thì, để có niềm tin, thứ mà họ cần nhìn thấy nhiều hơn thế. Họ muốn nhìn thấy câu chuyện của bạn, hành trình của bạn, những hoạt động sống động của bạn, những thứ có thể khiến họ tin bạn nhiều hơn, những giá trị mà bạn đem tới cho họ cả về mặt sản phẩm, nhãn hàng và cảm xúc.
Bởi vậy, những câu chuyện, đáng ra, khi bạn kể trên các kênh truyền thông xã hội, cũng có thể được kể trên website thì lại không mấy khi được cập nhật ở nhà của bạn.
Và khi bạn đầu tư nội dung cho ngôi nhà chính này, cộng thêm khả năng SEO tốt thì ngôi nhà đó lại ngày càng vững chắc, đông đúc, có thêm nhiều giá trị bền vững, giúp cho thứ hạng của nhãn trên kênh công cụ tìm kiếm tăng cao.
Bởi vậy, khi nghĩ tới việc sản xuất nội dung, cần nghĩ tới việc làm sao để ngôi nhà của mình tốt nhất, đẹp nhất, nhiều cách để giữ chân và làm khách hàng tin tưởng nhất. Rồi sau đó mới tính đến các hệ sinh thái xung quanh. Vì thực ra, facebook mà chặn cái, hay tiktok mà bị bán một cái, lúc đó, toàn bộ dữ liệu đã đăng trên các nền tảng đó đi tong. Thì ít ra, chúng ta cũng vẫn còn có ngôi nhà của mình để khách hàng đi về cùng chúng ta chứ nhể!
Kawa Nguyễn