Thứ sáu, 03/03/2023 | 10:43

Đọc sách "Các nhà vô địch ẩn danh của thế kỷ 21"

Một cuốn sách không dễ đọc, khó thẩm thẩu ngay ở lần đọc đầu tiên, nhưng nó nên có trong tủ sách của các start up và lãnh đạo của các công ty SMEs.

Tóm tắt nội dung

"Các nhà vô địch ẩn danh của thế kỷ 21 – Chiến lược dẫn tới thành công của những công ty ẩn danh hàng đầu thế giới".

Một cuốn sách không dễ đọc, khó thẩm thẩu ngay ở lần đọc đầu tiên, nhưng nó nên có trong tủ sách của các start up và lãnh đạo của các công ty SMEs.

Hermann Simon - tác giả cuốn sách, được coi là lý thuyết gia về quản lý có ảnh hưởng nhất của Đức và đang làm tư vấn cho các tập đoàn, chính phủ trên khắp thế giới. Cơ hội được nghe ông trò chuyện và chia sẻ về các nhà vô địch ẩn danh của thế giới tại một cuộc hội thảo của trường Đại học Ngoại Thương mới đây đã dẫn tôi tới cuốn sách này và quyết tâm đọc hết nó, dù khó như đã nói ở trên.

Các bài học mà cuốn sách rút ra cho người đọc được tóm gọn trong các từ khóa: Lãnh đạo với mục tiêu đầy tham vọng – Chiều sâu, nhân viên có hiệu suất cao, phân cấp – Chú tâm, gần gũi với khách hàng, đổi mới, toàn cầu hóa.

Đối với từ khóa toàn cầu hóa, cuốn sách cho chúng ta những góc nhìn mới về thị trường toàn cầu. Và chúng ta cần nhìn nhận lại một số quan điểm về thị trường. Các công ty có quy mô vừa muốn duy trì sức cạnh tranh trên thế giới thì ưu tiên trước hết là giữ vững thị trường ở châu Âu và Mỹ. Ưu tiên thứ hai là thiết lập vị trí ở Trung Quốc và tiếp theo là Ấn Độ. Và điều rất rất cần lưu tâm cho các doanh nghiệp Việt Nam là: Trung Quốc (Made in China) không còn có nghĩa là rẻ! Nếu chúng ta còn tư duy về điều này thì đây là lúc cần thay đổi!

Một trong những luận điểm rõ ràng và cũng chính là bí quyết làm nên vị thế các nhà vô địch ẩn danh ở Đức cũng như trên toàn thế giới, đó là #CHUYÊNBIỆT#SIÊUCHUYÊNBIỆT.
Chiến lược sản phẩm và kinh doanh của các doanh nghiệp này tập trung vào một mũi nhọn ngành nghề mà họ cho rằng mình có thể làm tốt nhất hoặc là đi tiên phong mở lối trong lĩnh vực đó. Khi chọn thị trường, họ chọn thị trường để sản phẩm của mình đóng đinh với nhóm khách hàng cần họ chứ không chọn mở rộng ra các nhóm khách hàng mới.

Ngay cả chiến lược dịch vụ của họ, họ cũng chọn làm sao để dịch vụ của họ phục vụ tốt nhất giá trị chuyên biệt trong sản phẩm mà khách hàng mong đợi. Ví dụ hay nhất trong các ví dụ mà cuốn sách đưa ra đó là chiến lược phục vụ theo chiều sâu của một thương hiệu bán máy rửa bát. Họ chọn phân khúc nhà hàng khách sạn để kinh doanh loại máy rửa bát chuyên biệt cho lĩnh vực này. Sau đó, họ đi sâu vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ nhằm gia tăng giá trị cho khách hàng bằng máy xử lý nước, nước rửa bát cho nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ chuyên biệt kèm theo. Chính những chuỗi giá trị “sâu” này đã làm nên ưu thế cạnh tranh cho các nhà vô địch ẩn danh như Winterhalter Gastronom. Họ không phải là công ty bán máy rửa bát hàng đầu thế giới, nhưng trong lĩnh vực máy rửa bát cho nhà hàng, khách sạn, họ là số 1 và là sự lựa chọn đầu tiên.

Những câu chuyện sẽ mở ra cho các doanh nghiệp trẻ những định hình về cấu trúc sản phẩm, mục tiêu kinh doanh, cách lựa chọn thị phần và thị trường phù hợp với mình.

Một bài học khác, đó là để chuyên biệt, các doanh nghiệp ẩn danh của thế giới đã chọn chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố đầu tiên để giữ chân khách hàng. Họ ít đầu tư cho marketing và quảng cáo, nhưng lại đầu tư nhiều cho công tác nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới và phát triển sản phẩm. Cùng với quá trình này là sự đổi mới về quy trình và dịch vụ. Quy trình được cải tiến liên tục. Tất cả là để tạo ra những sản phẩm chuyên biệt đáp ứng những yêu cầu khắt khe của khách hàng. Đối với họ, đổi mới không chỉ là những sáng tạo đột phá, mà đó chính là sự cải thiện từng ngày, từng ngày trong tất cả mọi quy trình làm việc. Và chính trong quá trình cải thiện đó, những sáng tạo đột phá xuất hiện.

Xây dựng mối quan hệ dài lâu và thân thiết với khách hàng, quan tâm tận gốc tới các vấn đề của họ để cùng họ tìm ra những giải pháp tốt hơn và phát triển cùng với khách hàng cũng là kim chỉ nam cho các hoạt động chăm sóc khách hàng của các công ty ẩn danh.

Việc tạo dựng một văn hóa doanh nghiệp gắn kết với lòng trung thành của nhân viên cũng là một trong những bí quyết thành công của những nhà vô địch ẩn danh được nêu trong cuốn sách. Để có được điều này, việc truyền đi những thông điệp chiến lược và mục tiêu trong toàn thể đội ngũ được coi trọng và đầu tư. Và đây cũng chính là cách họ có được sự kết nối giữa các phòng ban chức năng trong doanh nghiệp.

Dừng lại một chút ở góc độ này. Đây chính là lỗ hổng trong vấn đề truyền thông nội bộ ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Việc bộ phận này không tạo điều kiện hoặc chưa hiểu về vai trò, chức năng của bộ phận khác để hỗ trợ kịp thời khi có việc gấp là điều thường xảy ra. Vấn đề lớn hơn là các thông điệp tầm nhìn, mục tiêu, giá trị cốt lõi của thương hiệu thường chỉ nằm trên website, trong bản đề xuất chiến lược truyền thông của agency, nằm lưu trong ngăn kéo của lãnh đạo hoặc được hiểu qua loa bởi phòng Marcom là hết nhiệm vụ. Những điều này dẫn đến người lao động Việt Nam đi làm vẫn chỉ nhằm một mục tiêu lĩnh lương mà không nhìn thấy những giá trị kết nối giữa sự phát triển của một cá nhân và doanh nghiệp mà mình gắn bó. Việc này cũng đang dần được cải thiện khi PR nội bộ ngày nay đang được chú trọng nhiều hơn. Nhưng chưa phải doanh nghiệp nào cũng nhận thức hết và triển khai triệt để để có được sự đồng thuận của nhân viên.

Kawa Nguyen

Bài liên quan

Bài liên quan