Thứ hai, 03/04/2023 | 22:55

Hệ sinh thái truyền thông số của doanh nghiệp - làm thế nào để xây dựng, phát triển và đầu tư đúng?

Theo báo cáo số liệu tổng quan của We are social thì hiện Việt Nam có 72,10 triệu người sử dụng internet (tính đến tháng 1/2022). Môi trường số đã, đang trở thành một không gian kết nối, tìm kiếm, giao lưu, chia sẻ, tương tác của người dùng internet. Điều này dẫn tới nhu cầu tìm hiểu, giao lưu, tương tác với các nhãn hàng của khách hàng, công chúng

Các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam cần/ nên có những đầu tư như thế nào đối với hệ sinh thái truyền thông số để đảm bảo phù hợp về mục tiêu phát triển thương hiệu cũng như ngân sách, nguồn lực nhân sự của mình? Những phân tích dưới đây sẽ giúp doanh nghiệp và tổ chức có cái nhìn tổng quan để đưa ra sự lựa chọn đúng đắn để kết nối với khách hàng, công chúng mục tiêu của mình một cách hiệu quả.

Trước hết, muốn quyết định đầu tư vào kênh truyền thông số nào, doanh nghiệp cần xác định rõ vai trò và mục tiêu, định hướng phát triển của kênh truyền thông đó. Mỗi kênh truyền thông thường sẽ có một số chức năng, nhiệm vụ riêng đối với hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Việc xác định rõ các vai trò, chức năng, nhiệm vụ này sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn hệ sinh thái truyền thông phù hợp, cũng như có sự đầu tư đúng đắn về nội dung, tài chính, nguồn lực cho từng kênh truyền thông.

* Website doanh nghiệp: thường được coi là ngôi nhà số của doanh nghiệp. Nơi doanh nghiệp có thể giới thiệu một cách chính thống các thông tin đúng và đủ nhất về mình cũng như là nơi mang lại chỉ số niềm tin cho doanh nghiệp khi khách hàng, công chúng có thể tìm được các thông tin xác thực về thương hiệu, doanh nghiệp. Khách hàng và công chúng thông qua các nhóm nội dung giới thiệu thương hiệu có thể nhìn thấy bức chân dung toàn diện của một doanh nghiệp, trả lời được các câu hỏi “Doanh nghiệp đó là công ty như thế nào, làm gì, mang lại giá trị gì, có những sản phẩm dịch vụ gì?”. Khi một khách hàng tìm kiếm thông tin về một sản phẩm, dịch vụ mà họ được giới thiệu hoặc biết đến thông qua truyền thông, họ thường có xu hướng tìm kiếm website của doanh nghiệp như một sự bảo chứng thông tin và là cơ sở để họ ra quyết định lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu đó.

Cũng theo nghiên cứu năm 2022 của “We are social”, website thương hiệu của doanh nghiệp là một trong những nguồn khám phá thương hiệu của người dùng internet trong độ tuổi từ 16 đến 64. Điều đó cho thấy, chỉ số niềm tin của doanh nghiệp được ghi nhận và đánh giá thông qua các nội dung, thông tin được chuyển tải trên website.

Với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, theo báo cáo của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), website doanh nghiệp thường có các vai trò, chức năng chủ yếu sau:

- Xây dựng uy tín và nâng tầm thương hiệu

- Quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ

- Mở rộng tương tác, phản hồi từ khách hàng

- Kênh bán buôn, bán lẻ, cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng.

Tuỳ vào điều kiện ngân sách, nguồn lực, doanh nghiệp có thể đặt các lựa chọn ưu tiên để xây dựng kênh website với các chức năng, công cụ phù hợp. Hiện nay, đối với 82% doanh nghiệp Việt Nam được VECOM khảo sát thì chức năng chính của website vẫn là góp phần xây dựng uy tín và nâng tầm thương hiệu.

* Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Tiktok, Instagram: Cũng theo báo cáo của We are Social, hiện có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội ở Việt Nam vào tháng 1/2022. Điều này giải thích tại sao kênh mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, Tiktok trở thành một nguồn nghiên cứu về thương hiệu của người tiêu dùng. Và đó là lý do các doanh nghiệp cần phải có một địa chỉ trên các nền tảng xã hội.

- Kênh mạng xã hội, ví dụ như Facebook, đối với nhiều doanh nghiệp đã, đang không chỉ có ý nghĩa là một địa chỉ để tăng thêm kênh bán hàng hay tương tác với khách hàng. Nhiều hơn thế, doanh nghiệp có thể dùng mạng xã hội như Facebook để lan toả các giá trị thương hiệu, góp phần xây dựng cộng đồng khách hàng, tổ chức các hoạt động và chương trình hướng tới cộng đồng. Facebook vì thế, đã trở thành một kênh giúp xây dựng thương hiệu vững chắc và có giá trị lan toả cho nhiều doanh nghiệp.

- Đối với kênh Youtube: doanh nghiệp có cơ hội để kể những câu chuyện sinh động, hấp dẫn hơn, truyền cảm xúc, cảm hứng hơn với clip.

- Đối với các nền tảng hướng tới giới trẻ như Tiktok, câu chuyện thương hiệu không phải là nội dung có thể thu hút công chúng. Nhưng nếu doanh nghiệp biết tận dụng các xu hướng, trào lưu của giới trẻ để tạo ra các nội dung video ngắn và hướng tới sở thích của công chúng, khách hàng, việc chiếm được cảm tình hay có thể bán hàng được cho nhóm đối tượng trẻ như gen Z ngay trên kênh Tiktok của doanh nghiệp là điều không khó.

Nếu như các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Tiktok, Instagram có thể giúp các doanh nghiệp tăng cường kết nối với khách hàng, công chúng, thì Linkedin lại là một công cụ kết nối giá trị giữa các doanh nghiệp và các nguồn lực của doanh nghiệp. Linkedin hiện nay là kênh giúp các doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng thương hiệu tuyển dụng cho doanh nghiệp. Đầu tư cho kênh Linked giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác uy tín cũng như thu hút được nhân tài để xây dựng sức mạnh thương hiệu từ bên trong.

* Các kênh báo chí và thông tin điện tử: Xuất hiện trên báo chí giúp thương hiệu doanh nghiệp đáng tin hơn, có sự giao tiếp một cách khách quan với khách hàng trong dòng chảy thông tin mà họ tiếp xúc thường ngày. Để có thể được xuất hiện trên báo chí và các kênh thông tin điện tử một cách tự nhiên, khách quan, doanh nghiệp cần đầu tư vào hoạt động vận hành thực sự của mình. Để từ đó có những chất liệu chân thực và sinh động cho báo chí khai thác nội dung và thông tin. Những góc nhìn khách quan về doanh nghiệp từ báo chí sẽ giúp công chúng được cung cấp thông tin một cách trực quan, sinh động và quan trọng, họ được tôn trọng. Khi một chủ thể truyền thông được tôn trọng, họ sẽ dành cho nhãn hàng sự tôn trọng, tin tưởng và yêu mến, từ đó tích cực ủng hộ nhãn hàng bằng hành động mua sắm hoặc lan toả câu chuyện thương hiệu.

* Các sàn thương mại điện tử như Shoppee, Lazada, Traveloka, Amazon… Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) đưa ra dự đoán: Sau khi vượt qua đại dịch Covid-19 thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và vững chắc trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Đối với doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử hiện được coi là kênh bán hàng cho khách hàng. Báo cáo tổng quan về hàng tiêu dùng thương mại điện tử của Social cũng chỉ rõ 51,78 triệu người dùng chấp nhận và sử dụng hàng tiêu dùng thương mại điện tử. Như vậy, sàn thương mại điện tử có thể coi là một kênh vừa bán hàng, vừa kết nối, tạo tương tác và nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp. Do đó, một cửa hàng ảo trên sàn thương mại điện tử của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần có nhận diện thương hiệu cùng các dấu ấn tạo dựng uy tín, niềm tin cho khách hàng thông qua trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Việc đầu tư cho nội dung, hình ảnh của một thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử cũng góp phần nâng cao giá trị truyền thông của thương hiệu. Sàn thương mại điện tử cũng là một kênh giúp kết nối với các nền tảng khác trong hệ sinh thái truyền thông của thương hiệu như website hay mạng xã hội.

* Các công cụ tìm kiếm: Google, Yahoo…: Công cụ tìm kiếm trên internet đứng đầu trong danh sách ưu tiên sử dụng khi người dùng cần khám phá thương hiệu mới hoặc sản phẩm, dịch vụ của một doanh nghiệp. Đầu tư cho chiến lược xuất hiện ở các vị trí ưu tiên với các từ khoá, thông tin có lợi trong chuỗi tìm kiếm của người dùng là chìa khoá giúp doanh nghiệp đến gần công chúng, khách hàng cũng như tạo dựng uy tín, niềm tin với họ. Việc xây dựng các chiến lược nội dung phù hợp và có độ tin cậy cao với tần suất đều đặn sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng được công chúng, khách hàng tìm thấy cũng như tìm kiếm đến các nền tảng truyền thông số của thương hiệu.

* App riêng của thương hiệu: Khi mà mua sắm trực tuyến đang dần trở thành một thói quen, nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, các doanh nghiệp ngày càng đầu tư cho hệ sinh thái truyền thông của thương hiệu. Xây dựng App riêng cho thương hiệu là cách có thể khiến cho doanh nghiệp từ chỗ phải đi tìm khách hàng hoặc thu hút sự chú ý của họ lại có thể kéo khách hàng về với mình, nghĩa là thương hiệu ở đâu, khách hàng sẽ ở đó.

Với việc đầu tư cho một App thương hiệu của riêng mình, các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp kinh doanh online có thể tạo ra lợi thế riêng cũng như tạo dựng, sở hữu được Data dữ liệu khách hàng, hiểu được hành vi mua sắm, nhu cầu thói quen của họ một cách trực tiếp, cung cấp đúng sản phẩm, chăm sóc họ cụ thể và tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Một vòng tuần hoàn trên hành trình khách hàng với các điểm chạm từ online tới offline có thể được kết nối trong chiếc app thương hiệu này.

Một hệ sinh thái càng có nhiều kênh sẽ phù hợp với nhu cầu và xu hướng tiêu dùng đa kênh hiện nay của công chúng, khách hàng. Tuy nhiên, để có thể đưa ra quyết định đúng, các doanh nghiệp phải dựa trên hoạt động nghiên cứu, quan sát, khảo sát khách hàng, công chúng cũng như đối thủ cạnh tranh, bối cảnh và xu hướng phát triển của ngành nghề. Trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu và phân tích của nghiên cứu, doanh nghiệp mới có thể biết được công chúng, khách hàng của mình đang theo dõi, quan tâm kênh truyền thông nào là chính, thói quen sử dụng các phương tiện truyền thông của họ như thế nào, họ tin vào kênh truyền thông nào. Để từ đó, đầu tư cho việc phát triển từng kênh phù hợp với nhu cầu của công chúng cũng như đạt được mục tiêu của thương hiệu.

Kawa Nguyễn

Từ khóa: Chia sẻ kiến thức

Bài liên quan