Trả lời:
1. Chuỗi giá trị của thương hiệu
- Các nội dung về chuỗi giá trị của doanh nghiệp sẽ giúp người lao động nhận thức ý nghĩa của hai từ ĐỒNG HÀNH. Khi bạn nhận lương và các chính sách ấy là lúc các giá trị doanh nghiệp tạo dựng được theo dòng lịch sử của công ty đang tạo ra những lợi ích nhìn thấy được và trở thành động lực để bạn nỗ lực phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa. Nhưng khi mà công ty gặp khó khăn, sự chia sẻ của bạn sẽ giúp cho công ty tồn tại, đứng vững, và như thế, các giá trị thương hiệu mới có thể chứng minh tính bền vững của nó.
- Người lao động luôn là một phần của chuỗi giá trị thương hiệu. Nhóm nội dung xác định vai trò, vị thế của họ, quan tâm tới họ để giữ vững con thuyền, thúc đẩy, truyền năng lượng, cảm hứng để họ sẵn sàng cùng chèo thuyền là rất cần lúc này. Và biết đâu, trong sóng gió, những giá trị mới tuyệt vời lại xuất hiện, trở thành động lực cho những giai đoạn tiếp theo.
- Chia sẻ thật về các chính sách, giảm lương, giảm nhân sự, làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động cũng như kêu gọi tinh thần chia sẻ của người lao động là bài toán khó nhưng nếu không nói, khủng hoảng còn đến nhanh hơn cả dịch bệnh. Nên truyền thông những thông điệp minh bạch, rõ ràng, thấu cảm là việc khó buộc phải làm.
2. Nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn
- Thời gian giãn cách với nhiều doanh nghiệp có thể để ra một khoảng thời gian trống cho một số bộ phận. Đây chính là thời cơ tốt để học tập, phát triển năng lực cá nhân. Những tri thức, kỹ năng tích luỹ được nếu được cống hiến trở lại cho công ty trong một giai đoạn phát triển mới, giúp tăng hàm lượng chất xám, giảm thời gian làm việc, cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp,… sẽ giúp nhân thêm các giá trị của doanh nghiệp.
- Không nhất thiết cứ phải mất tiền mới là đi học. Các doanh nghiệp có thể tự tổ chức đào tạo lẫn nhau thông qua việc thành lập các nhóm Mentor. Những người đi trước, những người có nhiều kinh nghiệm hơn, những người giỏi ở một mảng nào đó, đều có thể trở thành người chia sẻ và huấn luyện. Và khi các Module học tập được thiết lập, được thực thi, chất liệu của truyền thông nội bộ sẽ tràn đầy.
- Các nội dung thúc đẩy tinh thần và phong trào tự học, tự đổi mới sẽ cần có hậu thuẫn của Ban lãnh đạo bằng các quà tặng hoặc các quỹ khen thưởng, biểu dương.
3. Nâng cao sức khoẻ tinh thần (Tất nhiên, kèm theo hành động)
- Làm việc tại nhà với tiếng con khóc, tiếng hỏi bài của con, giữa các lịch họp là lịch nấu cơm cho bọn trẻ, lịch đi chợ theo tuần, không hề đơn giản như việc xách lap đến công ty ngồi làm việc. Nhiều người gặp phải vấn đề là họ làm việc triền miên không có giờ giấc mà không hết việc khi làm tại nhà. Lúc này, những chính sách hoặc hướng dẫn giúp tháo gỡ các vấn đề người lao động gặp phải trong không gian Work From Home sẽ giúp họ vượt qua thời kỳ căng thẳng.
- Những chia sẻ kinh nghiệm Work From Home với năng lượng tích cực, có chút vui vẻ, sẽ như là những liều Vaccine tinh thần cho đội ngũ.
- Thành tích mà người lao động đã, đang đạt được trong điều kiện khó khăn cũng là những câu chuyện truyền cảm hứng
- Những món quà, khoản trợ cấp, hành động thể hiện sự quan tâm của Ban lãnh đạo và Công ty cũng cần được đầu tư sáng tạo, hợp lý, đúng nhu cầu để tạo sự động viên thực chất. Hành động trao đi, chia sẻ lúc này có giá trị lan toả hơn nhiều so với những câu hô hào sáo rỗng.
4. Nâng cao sức khoẻ thể chất
- Rèn luyện, chăm sóc và giữ gìn sức khoẻ thật tốt để phòng tránh dịch bệnh là một trong những tiêu chí hàng đầu không chỉ có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân, gia đình, mà còn là tấm khiên giúp các doanh nghiệp bảo toàn lực lượng lao động. Bởi vậy, những TIPS, kiến thức chăm sóc, hỗ trợ rèn luyện sức khoẻ khoa học, bổ ích là việc nên làm.
- Các bài học miễn phí hay các lớp học có trả phí để coach cho đội ngũ về dinh dưỡng, thể lực, chăm sóc các bệnh thường gặp, cách phòng tránh covid sẽ giúp người lao động an tâm và mạnh khoẻ khi làm việc tại nhà.
- Các phong trào rèn luyện, game tương tác để mọi người chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khoẻ tại nhà, câu lạc bộ thể thao tại nhà, yoga abc sẽ là sợi dây kết nối đội ngũ gần hơn.
5. Hướng tới cộng đồng
- Hơn lúc nào hết, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hướng tới cộng đồng là cần thiết. Không phải để làm màu mà là để doanh nghiệp đóng góp thực sự và tạo dựng giá trị bền vững cho thương hiệu. Trong giai đoạn “nhạy cảm”, không nhất thiết câu chuyện nào về việc thiện nguyện cũng cần kể ra trên các kênh truyền thông. Nhưng các hành động thực tế được lan toả trong nội bộ chính là mạch nước ngầm mát lành của tương lai.
Kawa Nguyễn