Chủ nhật, 28/07/2024 | 22:58

CONTENT MARKETING - Những câu hỏi thường gặp (P24)

Câu 46: Các kỹ năng viết cần có của người làm content marketing cho doanh nghiệp . "Em thích viết, đam mê viết, vì thế em chọn content marketing". Câu này hẳn là rất quen với nhiều người. Nhưng có một sự thật mà các bạn nên biết và hiểu rõ về công việc của những người làm content marketing cho doanh nghiệp.

Đó là làm content marketing không phải chỉ có mỗi việc viết ra hay sáng tạo các nội dung hay, hấp dẫn trên các kênh mạng xã hội để tạo ra độ viral cho kênh. Đôi khi và nhiều lúc, người làm content marketing phải viết cả những nội dung khô, cứng, đơn giản nhưng chứa đựng các thông tin giá trị về thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ. Đôi khi cái mà bạn viết ra không phải để đăng lên và được người khác khen ngợi tài năng viết của bạn mà nó là một phần trong công đoạn sản xuất các sản phẩm nội dung khác. Lúc mà sản phẩm hình thành thì dấu ấn của bạn chỉ là một dấu chấm nhỏ trong cả ê kíp sản xuất mà thôi.

Thế nên, các bạn bắt đầu từ đam mê cần hiểu đúng về công việc của mình để có sự đầu tư, rèn luyện các kỹ năng, sao cho đam mê biến thành động lực, ý chí thì mới có cơ hội thành công trong nghề. Mấy ngày nay, mình đọc trên mạng thấy nhiều ba mẹ và các bạn trẻ đang loay hoay không biết học truyền thông thì ra trường làm nghề gì, nhiều bạn đam mê viết nhưng không biết định hướng công việc của mình nên là vị trí nào hoặc chọn content marketing nhưng lại không biết bắt đầu học từ đâu. Để giúp các bạn trẻ định hình được hành trình rèn luyện và học tập để trở thành một người làm content marketing chuyên nghiệp, bài viết này sẽ chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm của mình đối với vai trò và ý nghĩa của việc học viết và thực hành các kỹ năng viết trong content marketing.

1. Viết 1 sản phẩm nội dung dạng text.

Đó là một sản phẩm nội dung giúp doanh nghiệp, nhãn hàng tiếp xúc với công chúng bằng chữ, giúp cho công chúng có được các thông tin hữu ích, giá trị, đúng, đủ về doanh nghiệp, sản phẩm, các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo cảm xúc yêu mến, thích thú trên các kênh truyền thông của doanh nghiệp, nhãn hàng.

Ở đây dùng từ các kênh nghĩa là các bạn hiểu sẽ không chỉ có làm nội dung trên kênh mạng xã hội mà là các kênh khác của doanh nghiệp như website, sách, tạp chí, báo in, báo điện tử, email … Nghĩa là riêng đối với loại hình sản phẩm nội dung viết cũng đã có rất nhiều dạng cho nhiều kênh. Để có thể đáp ứng được hết nhu cầu của một doanh nghiệp về các dạng viết này, bạn phải học viết rất nhiều thể loại sản phẩm nội dung.

Vì thế, xin hãy đam mê, đừng mơ mộng. Doanh nghiệp đầu tư nguồn lực có tiền để làm các nội dung viral triệu View không có nhiều. Doanh nghiệp cần những người có thể giống con ong chăm chỉ ngày ngày sản xuất các sản phẩm nội dung cần thiết và hữu ích cho khách hàng của họ trên kênh của họ hàng ngày rất nhiều. Công việc hầu hết sẽ lặp lại và nhàm chán nếu bạn chỉ chăm chăm xây cho riêng kênh Facebook. Facebook chỉ là một kênh. Có rất nhiều sản phẩm khác cần làm để tạo ra hệ sinh thái truyền thông cho thương hiệu với nội dung phong phú và đa dạng.

2. Viết ý tưởng kịch bản cho sản phẩm nội dung dạng video.

Các TVC hấp dẫn, các clip viral trên mạng, hay một MV ca nhạc được nhấn nút share nhiều, khởi nguồn của tất cả các sản phẩm đó đều bắt đầu từ công việc viết. Người sáng tạo nội dung viết ra một ý tưởng kịch bản TVC, kịch bản bối cảnh và diễn xuất cho diễn viên, lời cho bài nhạc. Dựa trên những chất liệu đầu tiên viết ra đó, cả một ê kíp sản xuất sẽ vào cuộc. Người đạo diễn đọc kịch bản để tìm các bối cảnh, xây dựng tình tiết, chỉ đạo diễn xuất của diễn viên, quay phim đọc kịch bản để tìm góc máy. Diễn viên đọc kịch bản để hiểu nhân vật mình cần đóng. Người làm hậu kỳ đọc kịch bản để tìm ra cách dựng “ngọt”. Người làm nhạc đọc kịch bản để tìm ra giai điệu phù hợp cho sản phẩm. Đây là một sản phẩm của trí tuệ tập thể. Nhưng người viết ra những ý tưởng đầu tiên là vô cùng quan trọng. Mà để viết được các dạng kịch bản này, bạn phải là người có chút hiểu biết về điện ảnh, quay phim, có được kinh nghiệm hiện trường của hoạt động sản xuất video, có được kỹ năng viết mô tả hình ảnh, chi tiết, nội dung của một phân cảnh trong một video theo quy định về thời gian. Làm kịch bản cho phim phóng sự 10 phút thì khác với làm kịch bản cho clip 10s, TVC 30s. Bạn cũng cần biết các loại phim cho doanh nghiệp là để phục vụ các mục tiêu gì trong xây dựng thương hiệu và hoạt động marcom của doanh nghiệp để sáng tạo tối tạo cho phù hợp. Ví dụ làm phim thương hiệu thì kịch bản phải chú trọng giá trị thương hiệu doanh nghiệp hay sản phẩm, clip chia sẻ kiến thức, hướng dẫn sử dụng thì cần thêm các yếu tố kỹ xảo nào, clip viral thì phải tránh những nội dung, từ khoá nào để không làm ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu, không vi phạm các nguyên tắc, quy chuẩn về văn hoá của quốc gia, luật pháp của đất nước. Việc lựa chọn diễn viên cho phù hợp với phong cách của thương hiệu cũng rất quan trọng. Đây thực sự là một công việc đòi hỏi kiến thức liên ngành cực kỳ rộng và sâu.

3. Viết kịch bản cho sản phẩm nội dung dạng voice

Podcast đang nổi lên như một xu hướng. Nhưng không phải cứ ngồi trước máy quay hay chiếc Mic là bạn có một sản phẩm nội dung. Muốn có một Podcast chất lượng, bạn cũng phải chuẩn bị kịch bản cho một lần quay/ thu âm. Vẫn là phải viết ra trước đúng không? Do đặc thù loại hình sản phẩm này phụ thuộc chủ yếu vào giọng nói, nên bạn phải chuẩn bị kỹ nội dung và nội dung của bạn phải thực sự hay, hữu ích, có chiều sâu, giá trị mới có thể thu hút được công chúng. Nội dung Podcast thường phải hướng tới một chủ đề nào đó mà công chúng quan tâm, thế nên việc hàng ngày nghĩ và viết ra các ý tưởng chủ đề rất quan trọng. Sau đó là lên kịch bản cho giọng đọc. Bạn cũng cần tính toán tốc độ đọc/ nói khớp với thời gian cho phép lôi kéo người nghe chú ý và nghe sâu nội dung của bạn. Những ghi chú về lên giọng, xuống giọng, ngắt nhịp, nhả chữ đòi hỏi người viết ra kịch bản nội dung cũng phải có trải nghiệm phòng thu mới biết được là mình nên kết thúc bằng từ khoá gì ở cuối câu hay mở đầu bằng từ khoá gì để tạo cảm xúc.

4. Viết kịch bản sự kiện

Khi bạn là nhân viên Marcom của một doanh nghiệp, việc tham gia vào tổ chức các sự kiện nội bộ, sự kiện hướng tới khách hàng, công chúng của nhãn hàng sẽ là một phần công việc của bạn. Với các doanh nghiệp SMEs và Start Up, việc một nhân viên content marketing phải cân tất các công việc truyền thông ra bên ngoài và truyền thông nội bộ là yêu cầu của thời đại ngày nay. Muốn một sự kiện được tổ chức thành công, chuyên nghiệp, dù ở mức độ lớn hay nhỏ, thì cần một kịch bản tổng thể và chi tiết để phân công công việc cho các bộ phận liên quan, tiến hành các hoạt động chuẩn bị và quan trọng là giúp người duyệt cũng như công chúng hiểu được nội dung, ý nghĩa, ý đồ của các hoạt động diễn ra trong sự kiện.

Liên quan tới sự kiện thì còn rất nhiều kỹ năng viết khác như: Viết MC script, viết nội dung trên các ấn phẩm truyền thông của sự kiện, viết bài phát biểu cho lãnh đạo, viết lời cảm ơn trên thư cảm ơn sau sự kiện gửi tới khách hàng/ công chúng tham gia…

Chưa kể các sự kiện/ hoạt động quy mô lớn, có sự kết hợp với các công nghệ trình chiếu, công nghệ thực tế ảo, công nghệ ánh sáng thì đòi hỏi người viết kịch bản còn phải hiểu về công nghệ, máy móc, thiết bị để đưa ra được các ý tưởng khả thi. Thường thì các kịch bản sự kiện sẽ có hai dạng kịch bản là kịch bản concept và kịch bản hiện trường. Các dạng viết này là kết quả làm việc của nhiều người cùng tham gia não công từ giám đốc sáng tạo, copywriter, giám đốc mỹ thuật, đạo diễn chương trình, kỹ sư công nghệ, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng… rất rất nhiều người. Nếu bạn may mắn trở thành một nhân viên chạy việc trong những ê kíp như vậy thì đừng vội nản nhé! Vị trí tuyệt vời nhất khi học việc chính là thư ký cuộc họp đó. Nhưng nếu có phải làm sai vặt kiểu bê đèn hay đứng đón khách check in thì cũng cố mà học hỏi và ghi chép những gì quan sát được tại hiện trường nhé. Sau này khi trở thành người viết kịch bản cho các chương trình lớn bạn sẽ hiểu tại sao đó.

5. Viết kịch bản chụp ảnh

Chụp ảnh là sản phẩm hình ảnh mà. Liên quan gì tới việc viết? Có đấy. Nếu không có kịch bản hình ảnh, bạn sẽ không biết là mình nên chụp gì cho một sự kiện, nên hướng vào ai trong sự kiện đó, bắt thần thái, cảm xúc của họ vào khoảnh khắc nào thì sẽ đẹp. Bạn cũng sẽ không biết được là cần chụp bao nhiêu ảnh là đủ để làm bài báo, dựng clip sau sự kiện. Bạn cũng sẽ không biết được những thông điệp giá trị trong những bức ảnh bạn chụp. Vì thế, cần phải có ý tưởng chụp ảnh, viết nó ra, rồi mang tới hiện trường, quan sát, bổ sung, chỉnh sửa tuỳ điều kiện vị trí. Nếu giao việc chụp ảnh cho người khác thì chiếc kịch bản này thực sự cần thiết. Không có thoả thuận và giao việc cụ thể bằng chiếc kịch bản này, rất có thể bạn sẽ nhận được hàng ngàn tấm ảnh mà không có cái nào dùng được. Bởi vì không có ảnh nào có thông điệp, không có ảnh đẹp của nhân vật quan trọng, không có những khoảnh khắc tạo nên cảm xúc cho công chúng khi nhìn vào bức ảnh. Muốn viết được kịch bản chụp ảnh tốt, phải hiểu về sự kiện, hoạt động của doanh nghiệp, hiểu về giá trị và ý nghĩa thông điệp của sự kiện, hoạt động đó, hiểu được vai trò của các lãnh đạo, khách mời trong sự kiện. Rất nhiều việc phải chuẩn bị trước khi giơ máy lên và bấm tách.

6. Viết thông điệp

Bản chất của hoạt động truyền thông doanh nghiệp là chuyển tải những nội dung quan trọng, cần thiết hướng tới nhóm công chúng mục tiêu để tác động đến suy nghĩ, cảm xúc, thay đổi suy nghĩ và hành vi của họ đối với thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp. Khi là một người làm content marketing, bạn phải nghĩ ra được những thông điệp mà bạn cần chuyển tải thông qua: Một tiêu đề, một cái tên sự kiện, một câu chủ đề cho chiến dịch, một hashtag gán vào ảnh hoặc tuyến bài trên kênh. Câu hỏi các sếp dành cho bạn sẽ luôn là: Thông điệp gì được chuyển tải trong sản phẩm nội dung này, chiến dịch này, sự kiện này? Trả lời được câu hỏi này, bạn sẽ được duyệt ý tưởng, duyệt sản phẩm nội dung. Vì thế, viết ra được thông điệp là một trong những công việc quan trọng nhất của người làm sáng tạo nội dung hay content marketing.

7. Viết chiến lược và kế hoạch truyền thông

Đây là phần viết đòi hỏi nhiều tư duy và kiến thức ở cấp độ chuyên môn cao. Để đạt tới trình độ viết được các bản đề xuất chiến lược và kế hoạch truyền thông hiệu quả, có thể thuyết phục được chủ doanh nghiệp/ khách hàng đồng ý triển khai và chi tiền theo con số bạn đề xuất, bạn cần có rất nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong quản lý dự án, xây dựng thương hiệu, tài chính, kênh truyền thông, nghiên cứu và thấu hiểu công chúng, marketing, phân phối, tổ chức sự kiện, tổ chức sản xuất các sản phẩm truyền thông, quản lý và điều phối nhân sự… Nếu chỉ đưa ra các ý tưởng mà không ước lượng được tính khả thi trong thực hiện, lường trước các rủi ro có thể xảy ra và dự kiến được số tiền bỏ ra và hiệu quả thu được thì mọi bản đề xuất chỉ là để trình diễn khả năng sáng tạo tối tạo của bạn mà thôi. Mình nhấn mạnh điều này để các bạn trẻ hiểu rằng, muốn có thể vươn tới được vị trí chịu được trách nhiệm cho các chiến lược và kế hoạch mà mình viết ra, bạn phải có một khoảng thời gian đủ dài để trải nghiệm các công việc phía trên, va vấp và sai lầm nhiều để biết cái gì là đúng, cái gì là nên. Tới lúc đủ độ tin cậy, các Sếp sẽ giao việc lớn cho bạn. Cho nên, đừng chê việc nhỏ và hãy tích luỹ dần những cơ hội viết từ các sản phẩm nhỏ nhất, để tới lúc, năng lực tư duy và kỹ năng viết của bạn phát triển tới tầm tư duy và kỹ năng lập chiến lược. Làm được việc này, cơ hội để trở thành quản lý đội nhóm, phòng ban luôn rộng mở.

8. Viết câu hỏi và bảng hỏi để khai thác thông tin

Để có thể làm được bất kỳ sản phẩm viết nào cũng như có thể viết ra được bản đề xuất chiến lược, kế hoạch hiệu quả cho doanh nghiệp, một trong những kỹ năng quan trọng nhất đó là khai thác thông tin đầu vào. Đây là một quá trình đòi hỏi bạn phải có sự đầu tư nghiên cứu kỹ đề bài do Sếp hoặc khách hàng đưa ra, tỉm hiểu thông tin về doanh nghiệp, sự kiện, hiện tượng, hoạt động liên quan tới mục tiêu của từng chiến dịch marcom. Chỉ khi nắm được những thông tin cơ bản nhất, có sự hiểu biết về ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bạn mới biết mình nên hỏi gì, nên đặt ra hệ thống câu hỏi như thế nào để bạn có được những thông tin đầy đủ và sát thực nhất. Hãy viết ra tất cả các câu hỏi và lựa chọn những câu phù hợp để hỏi người phù hợp. Câu nào bạn đã có thông tin rồi hoặc tìm thấy nguồn có thể tự trả lời được thì hãy tự điền vào rồi đặt câu hỏi ở dạng xác nhận mức độ đúng sai để tránh mất thời gian của người trả lời.

Nhiều việc không các bạn? Nếu các bạn có thể rèn luyện để giỏi tất cả các kỹ năng này thì thật tuyệt vời. Nhưng nếu các bạn chỉ thành thạo 1-2 kỹ năng thôi thì cũng đừng lo lắng nhé. Mình chỉ cần giỏi cái mà mình có năng khiếu và năng lực nhất, tự tin rèn luyện, nâng cấp và chứng minh năng lực chuyên sâu của mình cũng là thành công rồi. Còn những cái chưa đạt, chưa giỏi, chưa thành thạo, có thể học về quy trình sản xuất để kết hợp với đội nhóm, cá nhân khác cho tốt.

Hãy xác định năng lực cốt lõi của mình nằm ở đâu, và xây dựng cho mình một lộ trình học tập, rèn luyện các kỹ năng để làm chủ công việc, phát triển bản thân nha các bạn.

“ Đi đi, đường sẽ tới!”.

Thân mến,

Kawa Nguyễn

Bài liên quan