Đây là thông điệp được chị Kawa Nguyễn – Nhà sáng lập BrandingvsCopywriting, Chuyên gia tư vấn và đào tạo chiến lược truyền thông thương hiệu chia sẻ tại talkshow “Ở đây không có kênh triệu view” tối 01/7.
Ở thời kỳ bùng nổ của mạng xã hội, “xây dựng thương hiệu cá nhân” là điều ngày càng được các bạn trẻ quan tâm và tìm kiếm; đặc biệt là với những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực Marcom, startup và kinh doanh trên nền tảng số…
Trong đó, những công cụ, quy trình, chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân như thế nào; triển khai, tiến hành ra sao – lại luôn là điều băn khoăn đối với bất kỳ ai có ý định bắt đầu trên hành trình xây dựng này…
Và talkshow trên phần nào đã gợi mở một số lời giải cho bài toán này với những ai đang quan tâm tới việc “xây dựng thương hiệu cá nhân” trên nền tảng số.
Chia sẻ với người viết, Kawa Nguyễn cho biết đây là chương trình mà chị ấp ủ đã lâu, nhưng giờ mới có dịp thực hiện được nhờ sự hợp tác của một người em, một người bạn là Nguyễn Minh Tâm – Nghiên cứu sinh tại Đại học Dublin City, Ireland. Tâm là bạn trẻ đang khá thành công với việc xây dựng hệ sinh thái truyền thông đa kênh Tea with Tâm.
Mở đầu talkshow, chị Kawa Nguyễn đã chia sẻ một số vấn đề trong nguyên tắc và quy trình xây dựng hệ sinh thái truyền thông cho thương hiệu cá nhân. Theo Kawa Nguyễn, đây là những công thức và nguyên tắc giúp chị vừa làm vừa học, biến mọi việc “lần đầu tiên” thành những việc “thành thạo” nhờ các công cụ chuẩn hoá.
Chị Kawa Nguyễn cho biết, ngay cả việc rất cá nhân là xây kênh cho riêng thương hiệu của mình, chị cũng làm như một dự án cho doanh nghiệp, có chiến lược, có kế hoạch và có cả kỷ luật để đảm bảo được các mục tiêu đề ra.
Theo nhà sáng lập của BrandingvsCopywriting, trước hết mỗi cá nhân cần phải xác định loại hình và phương thức xây dựng cho từng kênh theo định hướng. Bởi khi xây kênh, chúng ta sẽ cần cả một quá trình chuẩn bị tư liệu và xây dựng nội dung cho kênh của mình.
Trong đó, có ba trọng tâm cần xác định. Trước tiên là “lập chiến lược” với các nhóm nội dung đúng mục tiêu. Thứ hai là “xác định nguồn lực” về ngân sách, thời gian và dữ liệu. Cuối cùng là “lên kế hoạch” để triển khai một cách cụ thể, đảm bảo tính định kỳ, tần suất, kỷ luật…
Một điểm quan trọng được chị Kawa Nguyễn nhấn mạnh là yếu tố “đo lường” hiệu quả của việc triển khai, thực hiện. Bởi khi đã có mục tiêu xây dựng thương hiệu thì cần quan tâm tới tính hiệu quả, để qua đó điều chỉnh, đổi mới, cập nhật và bổ sung nội dung cho đúng mục tiêu, định vị “thương hiệu cá nhân” của mình.
Đam mê cần đi kèm chiến lược, kế hoạch
Cũng tại talkshow, Nguyễn Minh Tâm – Nghiên cứu sinh tại Đại học Dublin City, Ireland đã chia sẻ một số kinh nghiệm của mình trên hành trình xây dựng “Tea with Tâm”. Bắt đầu từ lý do tại sao Tâm lại phát triển kênh này, đi theo định hướng này? Hay những bài học, vấp váp Tâm đã trải qua trong hành trình xây kênh.
Từ điểm khởi đầu đơn giản chỉ là một blog trên facebook để chia sẻ về những câu chuyện, trải nghiệm, kỷ niệm… của một du học sinh tại Ireland với bạn bè và những người quan tâm tới du học – đến nay, “Tea with Tâm” của Nguyễn Minh Tâm đã mở rộng thêm các hình thức khác, bao gồm video và podcast, có mặt trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Cùng với đó, một số “tip” được Tâm rút ra trong quy trình sản xuất nội dung của mình. Hay việc xây dựng “Tea with Tâm” đã giúp gì cho một Nghiên cứu sinh tiến sĩ trong hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân của mình.
Theo Nguyễn Minh Tâm, khi xây kênh, trước hết mỗi cá nhân cần “định vị thương hiệu” cho kênh cá nhân của mình. Với Tâm là câu chuyện của một nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Ireland.
Kế đến là “định hướng của kênh” chia sẻ về những vấn đề gì, những trải nghiệm gì… – qua đó để xác định đúng “khán giả mục tiêu” cho đúng kênh của mình. Với kênh của Tâm là những cá nhân quan tâm tới hành trình, trải nghiệm du học nước ngoài; phát triển tri thức, kiến thức, trải nghiệm cá nhân…
Là một dự án cộng đồng, qua talkshow “Ở đây không có kênh triệu view”, Kawa Nguyễn đã huy động và quyên góp được 12 triệu đồng cho cho các quỹ thiện nguyện, hỗ trợ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, góp tiền xây trường cho trẻ vùng sâu, vùng xa với kinh phí: 2.710.000đ ; Dự án nuôi em: 1.450.000đ; Học bổng Phục hồi chức năng và trị liệu cho 3 bạn nhỏ khiếm thính tại Hậu Giang: 7.840.000đ. Trong đó, học bổng trên sẽ do Chị Chử Thị Thanh Hương cùng cộng sự tại Hội Cha mẹ Trẻ Khiếm thính và Người Khiếm thính Việt Nam phụ trách trao tặng cho các cháu thông qua các chương trình dạy học và trị liệu ngôn ngữ. |
Tuấn Việt
Bài đăng trên tạp chí điện tử: Nghề nghiệp và Cuộc sống - 3/7/2023 về chương trình Talkshow "Ở đây không có kênh TRIỆU VIEW".