Thứ sáu, 28/04/2023 | 23:16

TẠI SAO CẦN CÓ KỊCH BẢN CHỤP ẢNH CHO SỰ KIỆN?

Hãy chú ý tới kịch bản chụp ảnh cho sự kiện nếu muốn dùng chính những chất liệu đó làm nội dung. Và tất nhiên, con mắt nghệ thuật của người chụp ảnh, độ nhạy của người chụp sẽ mang lại những hình ảnh đầy cảm xúc và ĐẸP.

Có lần mình làm việc với một bạn nhận chụp ảnh sự kiện cho một công ty mình hợp tác về nội dung. Mình cẩn thận đưa cho bạn kịch bản chụp ảnh bám theo kịch bản chương trình của sự kiện và tuyến nội dung viết bài cho sự kiện. Bạn cầm lấy xem lướt lướt và trả lại mình với một câu xanh rờn: “Đây là kịch bản phục vụ cho hoạt động Marketing của công ty. Phải do team Marcom của công ty làm. Còn tôi là dân chụp ảnh chuyên nghiệp, tôi chỉ chụp theo cảm xúc của tôi thôi”.

Vì mình không phải là người thuê bạn đó nên mình đành: À vâng, mình xin phép thu hồi kịch bản. Tuỳ ý bạn ạ.
Và khi bạn trả lại cho công ty ảnh, rất nhiều ảnh cảm xúc nhưng rất ít ảnh có thể dùng được. Công ty sau đó chỉ dùng được 1 clip ảnh theo kiểu chạy lướt qua. Còn lại thì toàn bộ nội dung phải dùng ảnh chụp trong điện thoại của nhân sự team Marcom.
Bài học rút ra là:
1. Bạn kia đúng khi bạn ấy là một người chụp ảnh chuyên nghiệp và có thể là lên tới tầm nghệ thuật gì đó. Ảnh của bạn bám vào cảm xúc và cảm nhận của bạn để chụp —> Cái gì mà bạn thấy ĐẸP theo quan điểm nghệ thuật riêng, bạn sẽ chụp. Mình tôn trọng điều này.
2. Người đại diện công ty ký hợp đồng với bạn lúc đó đã không có sự thảo luận trước về tiêu chí cũng như nhu cầu cụ thể của công ty đối với ảnh cho sự kiện nên bạn nhận lời và làm theo quan điểm của bạn.
—> Thoả thuận công việc với người chụp ảnh/ quay phim cho sự kiện của công ty rất quan trọng. Nó giúp hai bên thống nhất về mục tiêu chụp, tiêu chí chụp, các nội dung cần chụp.
3. Chính vì không có sự thoả thuận rõ ràng và mục tiêu từ trước, dẫn đến việc nguồn ảnh phục vụ cho hoạt động Marcom về sự kiện có thể nói là cái cần thì thiếu, cái không cần thì thừa.
Tại sao? Tại vì khi doanh nghiệp tổ chức một sự kiện, thông điệp của sự kiện, các nhân vật tham gia sự kiện, khách mời của sự kiện, đặc biệt là khách VIP, không khí của sự kiện, các hoạt động quan trọng của sự kiện, các giá trị đặc biệt của sự kiện, hậu trường của sự kiện, thậm chí là những người phục vụ của sự kiện… tất cả những chi tiết ấy làm nên câu chuyện về sự kiện. Nếu như không có một danh sách (checklist) những hình ảnh có tính thông điệp, bám vào nội dung cần sản xuất trước, trong và sau sự kiện, thì người chụp ảnh sẽ bị con nghệ thuật nó dẫn dắt.
Và kết quả nhận được sẽ là: Thừa quá nhiều ảnh toàn cảnh, quá nhiều ảnh đầu người, lưng người, quá nhiều ảnh lộn xộn về bối cảnh, ảnh bị cắt góc logo, quá nhiều ảnh của một số người mà người chụp thấy rung động, trong khi lại thiếu những cảnh tương tác đầy sinh động của VIP. Thậm chí, đôi khi, những người không phải nhân vật chính nhưng câu chuyện về họ giúp tôn vinh giá trị của nhân vật chính hoặc sự kiện, thì lại hoàn toàn không có.
Hãy chú ý tới kịch bản chụp ảnh cho sự kiện nếu muốn dùng chính những chất liệu đó làm nội dung. Và tất nhiên, con mắt nghệ thuật của người chụp ảnh, độ nhạy của người chụp sẽ mang lại những hình ảnh đầy cảm xúc và ĐẸP.
Theo quan điểm của mình, một người chụp ảnh sự kiện chuyên nghiệp là người:
1. Có quy trình làm việc chuẩn (bám sát vào kịch bản chụp ảnh của team Marcom)
2. Có độ nhạy và cảm xúc dựa trên sự hiểu biết về sự kiện thông qua bản brief về mục tiêu của sự kiện, thông điệp của thương hiệu, các hoạt động diễn ra trong sự kiện, các nhân vật đã được thông tin trước.
—> Để có được sự hợp tác này từ người chụp ảnh, team Marcom của doanh nghiệp cần:
1. Xây dựng một bản Brief chi tiết đi kèm kịch bản chụp ảnh và những yêu cầu cụ thể.
2. Cần có cuộc họp/ email trao đổi, làm việc trước với người chụp về các yêu cầu này để thống nhất. Có thể, người chụp sẽ không đáp ứng được hết các yêu cầu đưa ra nếu nguồn lực không đủ, thì team Marcom sẽ cùng hỗ trợ dựa vào kịch bản. Nghĩa là chia việc để có đủ chất liệu nội dung.
3. Cần có một nhân sự của team Marcom hỗ trợ và hướng dẫn người chụp tại hiện trường. (Chỗ nào cần chụp, người nào cần chú ý, khoảnh khắc nào cần tập trung…)
Thân mến, 

Kawa Nguyễn

Bài liên quan