Thứ sáu, 28/04/2023 | 23:06

Content cho lĩnh vực giáo dục

Là một người làm content marketing cho mảng giáo dục bạn nhất định phải quán triệt 3 điều:

Tóm tắt nội dung

1. Marketing cho giáo dục, đào tạo không hướng tới mục tiêu kinh doanh giống như các nhóm sản phẩm dịch vụ tiêu dùng.

Nếu như mục tiêu Marketing của các nhóm sản phẩm dịch vụ tiêu dùng hướng tới việc cuối cùng vẫn phải là b.á.n được sản phẩm, tăng lợi nhuận, doanh thu và ngày càng có nhiều khách hàng, thì mục tiêu của Marketing cho giáo dục mang nhiều ý nghĩa hơn thế.
Sản phẩm của thương hiệu giáo dục không thể nhìn thấy ngay trước mắt, trong chớp mắt. Đó là một hành trình mà nhà trường là nơi ươm mầm, gia đình là điểm tựa đồng hành, người học cần có sự phát triển tự thân.
Bởi vậy,
Chúng ta đang không b.á.n một chương trình đào tạo hay một khoảng thời gian học tập, một bài giảng của thầy cô giáo cùng tấm bằng tốt nghiệp với bảng điểm đỏ chói. Sản phẩm, dịch vụ của ngôi trường, trung tâm đào tạo là một con người, một nhân cách, một môi trường văn hoá, một đam mê, một khát vọng, những sự tử tế và giá trị mà người học sẽ đóng góp cho cuộc đời.
Vì thế, mục tiêu marketing của những nội dung bạn sẽ sản xuất không chỉ để nhằm thu hút công chúng, tìm kiếm khách hàng, chốt suất đăng ký học, mà còn là để xây dựng và lan toả những giá trị tốt đẹp mà môi trường giáo dục đó mang tới cho con người, cộng đồng, xã hội.
2. Công chúng, khách hàng của sản phẩm dịch vụ giáo dục không đơn lẻ mà là tập hợp những mối quan hệ: người trực tiếp trả tiền, người trực tiếp học, thành viên gia đình, người thân, bận bè của hai đối tượng trên. Họ còn là chính giáo viên, các nhân viên, thầu phụ của môi trường giáo dục đó.
Nghiên cứu các nhu cầu, mong muốn, của các nhóm đối tượng công chúng trên là việc không thể bỏ qua. Bởi vì, đối với mỗi nhóm công chúng, khách hàng này, những nhu cầu, mong muốn, kỳ vọng của họ đối với một ngôi trường hay một trung tâm đào tạo là khác nhau. Khoảng cách thế hệ, các xu hướng xã hội, các vấn đề về sức khoẻ tinh thần, cái tôi cá nhân và chuẩn mực cộng đồng. Tất cả những điều này sẽ dẫn tới những nhận thức và nhu cầu khác nhau của từng nhóm công chúng.
Bản thân người trực tiếp trả tiền hay người học cũng không phải là một khách hàng đơn thuần. Họ cũng là một phần của thương hiệu, trở thành giá trị của thương hiệu đó. Nếu học sinh học giỏi, sáng tạo, tự chủ và trở thành những người thành công, nếu cha mẹ góp phần tạo nên cộng đồng cha mẹ văn minh, đồng hành cùng con và nhà trường, câu chuyện sẽ khác rất nhiều với những điều ngược lại. Bởi vậy, cách tiếp cận nhóm khách hàng đặc biệt này cũng không giống các lĩnh vực ngành nghề khác. Giá trị mà sản phẩm, dịch vụ giáo dục đào tạo mang lại cho nhóm khách hàng của mình không nhìn thấy ngay, không phải chỉ đơn giản là số tiền họ bỏ ra bao nhiêu, mà còn bao gồm cả những câu chuyện về ước mơ của cha mẹ, hiện tại và tương lai của học sinh, sinh viên, học viên cùng những trải nghiệm của họ tại trường học.
3. Hoạt động Marcom của trường học không phải câu chuyện chỉ thuộc về phòng Marcom.
Trước hết, trách nhiệm thuộc về chính các chủ đầu tư, nhà quản lý, vận hành môi trường giáo dục, đào tạo đó. Chỉ khi những mục tiêu, định hướng, giá trị của cấp Lãnh đạo được xác định rõ ràng, cụ thể, các bộ phận triển khai bên dưới như bộ phận Marcom mới biết cách để lập chiến lược và lên kế hoạch phù hợp, hiệu quả cho các hoạt động Marketing hay Content Marketing.
Vai trò xây dựng thương hiệu hay Marcom cũng không phải chỉ do phòng Marcom gánh hết. Nó tồn tại ở mọi điểm chạm nhân sự và hoạt động của môi trường giáo dục đó.
Bởi vì, giả sử, nếu bạn xây dựng một thông điệp truyền thông với từ khoá “yêu thương” mà giáo viên lại quát nạt học sinh, bắt các em học quá nhiều để chạy theo thành tích, thì triết lý “yêu thương” chỉ là lời nói sáo rỗng trên truyền thông. Thầy cô chính là các đại sứ thương hiệu đầu tiên và quan trọng nhất, là nhân sự đảm nhiệm vai trò Marcom trực tiếp nhất thông qua phương pháp, hành vi, cảm xúc khi thực hành giáo dục (Brand Story Doing).
Và không chỉ có giáo viên, tình yêu thương ấy còn phải là sự thể hiện của tất cả các nhóm nhân sự khác trong môi trường từ bác bảo vệ, bộ phận bếp ăn tới những thầy cô làm công tác hành chính, người làm vườn và thậm chí cả thầu phụ như công ty dịch vụ xe bus, công ty cung cấp nguồn nguyên liệu đồ ăn.
--> Tất cả những bộ phận và cá nhân tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ, sản phẩm của môi trường giáo dục đều phải được đào tạo, chia sẻ để hiểu thấu triết lý “yêu thương” của trường học. Từ đó, áp dụng thế nào là “yêu thương” trong hành động của mình và biến nó thành chuẩn mực ứng xử của trường.
Chính vì 3 điều vừa kể trên, để có thể bắt đầu một chiến dịch nội dung trong hoạt động marketing giáo dục, người làm content marketing cần:
1. Hiểu rõ trước nhất là các triết lý giáo dục, quan điểm phát triển con người, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của môi trường giáo dục đó.
2. Bước ra khỏi phòng làm việc của bộ phận marcom để có thể sống và trải nghiệm tất cả những tuyên bố của môi trường được thực thi như thế nào trong hoạt động giáo dục và chăm sóc người học cùng giáo viên và cộng đồng. Thu thập tất cả các tư liệu trải nghiệm (Brand Story Doing) đó làm chất liệu truyền thông sống động và chân thực nhất cho câu chuyện thương hiệu (Brand Story Telling) ở mục 1.
3. Chứng kiến trải nghiệm của các nhóm công chúng của nhà trường từ phụ huynh tới học sinh, nghiên cứu, khảo sát, phỏng vấn để hiểu được cảm giác, cảm xúc chân thật của họ, lắng nghe những nhu cầu, yêu cầu, mong muốn, ước mơ của họ. Chỉ có nghiên cứu và khảo sát, quan sát bạn mới biết được công chúng của bạn cần gì, muốn gì và chờ đợi điều gì khi tiếp cận với các sản phẩm truyền thông của bạn.
Ngoài kỹ năng và công cụ, người làm content marketing cho giáo dục cần có một trái tim hiểu thấu và yêu thương, có một triết lý rõ ràng về giáo dục và phát triển con người. Chỉ khi bạn biết rằng, quan điểm của mình về giáo dục, gặp được nơi đất tốt để ươm mầm, lan toả và phát huy, nơi mà bạn tìm thấy triết lý của mình gặp gỡ triết lý chung của môi trường bạn phụng sự, lúc đó, bạn sẽ biết mình phải làm gì để đóng góp cho hoạt động marcom, content marketing cho môi trường đó. Nếu chỉ làm theo công thức, làm cho xong chuyện, nếu không thực sự hiểu, tin và yêu môi trường mình thuộc về, bạn sẽ không thể khiến người khác tin vào những nội dung do bạn sản xuất. Cơ sở của niềm tin phải xuất phát từ chính sự tin tưởng của những con người bên trong nội bộ, mà bạn, chính là một nhân tố then chốt.
Làm Content Marketing cho giáo dục không phải là để b.á.n một sản phẩm, dịch vụ đào tạo. Đó là hành trình bạn viết nên câu chuyện về một sự nghiệp giáo dục.
Thân mến, 

Kawa Nguyễn

Bài liên quan