Thứ sáu, 03/03/2023 | 10:07

CHỈ MỘT CON ĐƯỜNG

Tự thuật của chủ tịch tập đoàn LG – Cha Kyung Koo Cuốn sách là lời kể đầy tự nhiên, thành thực của một người lãnh đạo, về tất cả các vấn đề mà LG đã gặp phải trên con đường hình thành và phát triển của mình. Và tôi thích cuốn tự thuật này, vì mỗi bài học mà tác giả đưa ra, là một câu chuyện về giải pháp.

Tóm tắt nội dung

Cuốn sách là lời kể đầy tự nhiên, thành thực của một người lãnh đạo, về tất cả các vấn đề mà LG đã gặp phải trên con đường hình thành và phát triển của mình. Và tôi thích cuốn tự thuật này, vì mỗi bài học mà tác giả đưa ra, là một câu chuyện về giải pháp. Luôn có giải pháp cho một vấn đề nào đấy, vấn đề là ta có làm nó hay không? Có chấp nhận thất bại hay chỉ mong tìm đến kết quả khả quan ngay lập tức.

Một câu chuyện khá thú vị trong cuốn sách mà tôi rất thích, đó là chuyện ông chủ của LG đi ăn mì lạnh, ở một quán ăn có treo biển: “Khách hàng là vua” ở bên ngoài. Tác giả cho rằng, khi đã coi khách hàng là vua, thì câu nói đó đã hàm ý: “Chúng tôi xin phục vụ quý khách một cách trân trọng, tận tình nhất, chúng tôi biết rõ những điều mong muốn của quý khách và xin hết lòng chiều theo ý quý khách”. Thế nhưng, thực tế mà ông được trải nghiệm lại là quán quá đông, nhân viên để khách bơ vơ tự tìm chỗ ngồi, tìm được chỗ rồi thì chờ mỳ rất lâu, chờ rất lâu xong lúc ăn lại có người đứng chờ như muốn đuổi mình đi….

Câu chuyện như là lời nhắc nhở với nhiều người về hai từ “dịch vụ”. Cho dù người chủ cửa hàng mì lạnh nổi tiếng có bán bát mì ngon tới mấy, mà dịch vụ như muốn đuổi khách đi, thì liệu kinh doanh của tiệm mì đấy có thể khá lên theo thời gian? Và theo tác giả thì: “Sự thật là người tiêu dùng bây giờ muốn được đối xử như người khách quý hơn là bị xem như người mua hàng”. Những lời này đã được viết ra từ năm 1992. Và cuốn sách mà tôi đọc có vẻ đã quá cũ rồi. Vì mua ở hàng sách cũ. Nhưng bài học trong đó thì không cũ chút nào.

Tìm hiểu hành trình của các thương hiệu lớn, sẽ cho các bạn hiểu rõ: Xây dựng thương hiệu, không phải đơn giản chỉ là viết ra những lời đẹp đẽ hay ho, tô vẽ những điều khác biệt, hấp dẫn, những giá trị vượt trội. Nó thực sự là hành trình thực hiện những điều được viết ra trong các câu chuyện thương hiệu (brand story telling) thành hành động thực tế triển khai trong mọi công việc, ở mọi bộ phận chuyên môn, trong từng cá nhân thuộc về thương hiệu đó (brand story doing). Brand story doing, không chỉ là tạo ra trải nghiệm về triết lý thương hiệu với khách hàng, mà còn là cả cách chúng ta tạo ra trải nghiệm tốt đẹp cho cả đối tác, thầu phụ và nội bộ.

Kawa Nguyen

Bài liên quan

Bài liên quan