Thứ sáu, 03/03/2023 | 10:31

3 Nguyên tắc không thể bỏ qua khi là account Agency

Agency mới và các bạn account trẻ khi tiếp xúc với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, thường kêu trời vì dễ bị trượt thầu hoặc làm rất nhiều phương án nhưng không được duyệt hoặc phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Thật ra, thì ai cũng sẽ có những lúc gặp phải vấn đề như vậy, dù là người chuyên nghiệp tới đâu.

Nhất là khi bạn gặp một doanh nghiệp không có bộ phận truyền thông/ marketing chuyên trách mà là các nhân sự của bộ phận khác kiêm nhiệm.
NGUYÊN TẮC SỐ 1: ĐÚNG NGƯỜI
Khi được giao tiếp xúc với doanh nghiệp, hãy cố gắng nắm lấy một đầu mối và biết chắc rằng người đó, hoặc có ảnh hưởng với SẾP, hoặc là luôn nhận được chỉ thị từ SẾP. Chỉ có túm được nhân vật này, bạn mới biết được mình có đi đúng đường hay không? Còn nếu không thì e là đẽo cày giữa đường khổ lắm.
NGUYÊN TẮC SỐ 2: KHÔNG CÓ GÌ LÀ CÓ TẤT CẢ và NGƯỢC LẠI
Khi bạn khai thác tư liệu hay brief, hoặc là bạn sẽ nhận được một thùng tư liệu với rất nhiều thứ mà bạn không biết bắt đầu từ đâu, hoặc là bạn sẽ nhận được một bản brief trống không.
Đừng vội ngao ngán! Đừng vội kêu than. Vì bạn có cố gắng làm gì đi chăng nữa, Tất cả chỉ có thế! Hãy chấp nhận sự thật và bắt đầu tư duy theo cách mà bạn muốn có thông tin.
1. Xác định mục tiêu công việc
2. Xác định đầu mối cung cấp thông tin
3. Nếu không thông tin thì tốt nhất là tự điền brief và lọc thông tin từ bất kỳ nguồn nào bạn có (Internet, tất cả các bản báo cáo, sách, báo, tạp chí, phỏng vấn trực tiếp…) theo mục tiêu mà bạn cần.
4. Lập 01 checklist công việc tiếp theo để bám vào đó thực hiện
5. Trở thành chuyên gia tư vấn, người nhập vai bất đắc dĩ, nói lên những điều mình nghĩ khi đặt vào vị trí của họ.
6. Đưa lại bản brief và bản đồ định hướng + checklist công việc đó cho người mà bạn xác định được ở nguyên tắc số 1. Nếu người đó không thể quyết được, hãy xin số liên hệ của SẾP hoặc nhờ họ xin ý kiến SẾP. Nếu không thực hiện được bước này, đừng cố để làm thêm điều gì. Nếu không bạn có nguy cơ làm lại lần n các nội dung chi tiết đã soạn.
Điều này với các bạn trẻ có vẻ hơi khó, nhưng thực ra, không có gì là bạn có tất cả trong tay. Vì khi đó, bạn giống như là người sẽ giúp họ định hướng các hoạt động cho công việc này. Vẽ ra quy trình trước khi thực hiện công việc chi tiết vì thế quan trọng hơn là bạn đưa ngay cho họ kết quả công việc. Vì nếu bạn làm ngay, bạn cũng không biết mình có đúng hay không? Sao phải mạo hiểm?
NGUYÊN TẮC SỐ 3: KIÊN NHẪN VÀ KHIÊM TỐN
Bạn có thể giỏi về sản xuất nội dung, tư duy marcom, branding abc, nhưng chắc chắn bạn không thể hiểu thị trường, sản phẩm bằng khách hàng của bạn được. Thế nên, cho dù họ có khó tính tới đâu, hay chưa hiểu được những điều bạn trình bày, hãy đừng vội nóng. Hãy đứng về phía khách hàng trước khi nghĩ tới đơn hàng mà bạn sẽ bán được, ở vào vị thế của khách hàng để trở thành người đồng hành và tư vấn. Đừng cố để khiến khách hàng chi thật nhiều tiền theo ý của bạn. Điều này chỉ có thể áp dụng được một lần, bạn sẽ khó có cơ hội tiếp theo nếu cứ tìm cách đưa ra các đề nghị tiêu tiền. “Liệu cơm gắp mắm” cho khách hàng để phù hợp với quy mô và nguồn lực của họ sẽ cho bạn một mối quan hệ dài lâu.
Khi bạn làm việc với tâm thế hướng dẫn/ đào tạo khách hàng cùng làm với mình một cách kiên nhẫn và khiêm tốn, kết quả công việc của bạn sẽ chắc chắn từng bước một.

Bài liên quan