1. Thương hiệu Quốc gia Việt Na
Từ khoá “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong dịp Tết Ất Tỵ này. Đó là một thông điệp mang tầm quốc gia, nhưng cũng là thông điệp mà mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân, đều có thể tự tìm thấy một con đường vươn lên của mình, để hai chữ Việt Nam có thể tự hào hiện diện trên những tấm bản đồ thế giới. Bản đồ cà phê, bản đồ gạo, bản đồ AI, công nghệ, bản đồ sáng tạo, bản đồ du lịch, nông sản, thời trang, thể thao, nghệ thuật…. Rất rất nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đang là điểm đến, là mảnh đất thu hút tiềm năng, là cơ hội của những nhà khởi nghiệp. Dù có đứng ở trong những tấm bản đồ đó hay chưa? Bạn, nhà lãnh đạo, hay nhà khởi nghiệp, người làm Marcom cho doanh nghiệp Việt, vẫn có quyền tự hào về thương hiệu Việt, có thể nhìn thấy những con đường mở ra cho doanh nghiệp của mình, để doanh nghiệp hướng tới việc xây dựng những hệ giá trị cốt lõi góp phần định vị uy tín, vị thế của thương hiệu Quốc gia Việt Nam ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
2. Công nghệ và AI
Kỹ năng cần thiết cơ bản của nhân viên Marcom trong kỷ nguyên số là biết sử dụng AI. Người làm quản lý vì thế cũng cần nắm bắt và hiểu rõ cũng như đề ra được các nguyên tắc về AI để AI được sử dụng như một công cụ hỗ trợ hiệu quả và đắc lực trong công việc. AI - dù có thông minh tới cỡ nào, cũng nhất định không thể thay thế con người trong việc ra quyết định - nhất là những quyết định liên quan tới kế hoạch Marcom, xây dựng thương hiệu, chiến lược nội dung cho doanh nghiệp. Bởi vì, để hiểu được sự phát triển toàn diện của một doanh nghiệp, cũng như hành trình và con đường tạo nên giá trị cốt lõi cùng văn hoá riêng biệt của thương hiệu doanh nghiệp, chỉ có những con người đã gắn bó, chung sức, chung thuyền, đặt hết tất cả trái tim và tâm huyết của mình vào thương hiệu đó, mới biết, họ cần làm gì, làm như thế nào để thương hiệu có thể phát triển bền vững, sáng tạo và tạo ra giá trị cho cộng đồng, cho đất nước và cho chính doanh nghiệp, đội ngũ. Thế nên, hiểu AI để đào tạo AI, để AI giúp người làm Marcom tối ưu thời gian sáng tạo, có thêm nhiều công cụ sản xuất nội dung, chứ không nên là để AI làm việc thay con người. Vì như thế, kết cuộc của người làm Marcom, có lẽ, là bị loại khỏi cuộc chơi bởi chính mình.
3. Đầu tư cho con người.
Làm thế nào để người lao động trong mỗi doanh nghiệp ngày càng phát huy được các giá trị của bản thân, thích ứng với công nghệ và sẵn sàng học hỏi công nghệ và làm chủ công nghệ? Là những câu hỏi mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải quan tâm và tìm ra giải pháp chứ không phải là nghĩ tới rồi nhưng để đó vì chưa có điều kiện thực hiện. Vì khi bạn chưa có điều kiện, người khác đã tích cực thử nghiệm, ứng dụng và từng bước thành công. Thế nên, đầu tư cho đào tạo nội bộ, huấn luyện nội bộ, để mỗi cá nhân dù ở chức vụ nào, vị trí nào cũng sẵn sàng là một nhà huấn luyện, một nhà đào tạo và cũng là một người sẵn sàng học tập vươn lên thực sự là một chiến lược cần có thời gian, lộ trình và kế hoạch hành động cụ thể.
4. Phát triển bền vững - Net Zero
Các khách hàng quốc tế đã và đang lựa chọn vùng trồng nông sản ở Việt Nam không phải chỉ vì giá trị chất lượng sản phẩm mà còn vì đó là vùng trồng giảm phát thải các bon, vùng trồng áp dụng kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh. Nhiều nhóm khách hàng ở Việt Nam cũng đang bắt đầu quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, giảm rác thải khi lựa chọn tiêu dùng. Các doanh nghiệp Việt cần thực sự hành động và chuyển đổi trong quy trình sản xuất kinh doanh để tạo ra các giá trị bền vững từ trong ra ngoài doanh nghiệp. Đồng thời, hoạt động truyền thông của doanh nghiệp cũng cần chú trọng các nhóm nội dung đào tạo khách hàng để họ trở thành những người tiêu dùng xanh. Có như vậy, khách hàng mới nhận thức được giá trị mà họ chi trả cho các sản phẩm xanh và lựa chọn xanh như một tiêu chuẩn tiêu dùng chứ không phải là một xu hướng nhất thời.
5. Quản trị hệ sinh thái truyền thông đa kênh - đa điểm chạm
Xuất hiện trên nhiều kênh và tạo ra nhiều điểm chạm không còn là chuyện mới. Nhưng sự nhất quán trên các kênh về thương hiệu, thông điệp, giá trị cốt lõi, bản sắc thương hiệu, văn hoá doanh nghiệp lại không phải là điều dễ dàng. Để có thể quản trị được hệ sinh thái truyền thông đa kênh, đa điểm chạm, doanh nghiệp cần có một bộ khung các quy tắc, quy chuẩn thương hiệu để đảm bảo nhận diện thương hiệu là đồng nhất trên tất cả các kênh. Điều này cũng đòi hỏi việc đào tạo về giá trị thương hiệu là thường xuyên, liên tục cùng các hoạt động kiểm tra, theo dõi, đánh giá định kỳ.
6. Văn hoá và bản sắc dân tộc
Văn hoá và bản sắc dân tộc đã xuất hiện trong các chương trình nghệ thuật biểu diễn trong thời gian gần đây, nhưng văn hoá của doanh nghiệp Việt, bản sắc dân tộc của người Việt được thể hiện như thế nào trong kinh doanh, trong việc xây dựng thương hiệu Việt, nhân sự Việt? Đó là những câu hỏi rất cần được nghiên cứu, được xây dựng, được lan toả. Văn hoá và bản sắc dân tộc, với những nét đẹp, nét tinh tế, đáng được lưu giữ, truyền lại, phát huy, không chỉ trong đời sống, nghệ thuật, mà còn cả trong lao động, sản xuất, kinh doanh. Hơn thế nữa, người làm quản lý doanh nghiệp/ và người làm marcom cho doanh nghiệp Việt góp phần tôn vinh, phát triển văn hoá dân tộc thông qua chiến lược thương hiệu, chiến lược truyền thông thương hiệu, chiến lược nội dung trên hệ sinh thái truyền thông của doanh nghiệp cũng đồng thời đang đưa Việt Nam đến với thế giới, đưa thế giới tới Việt Nam.
Đây là những điều BrandingvsCopywriting tổng hợp từ sự quan sát, nghiên cứu, theo dõi đời sống kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội của đất nước cùng các xu hướng marcom trên thế giới. Xin được chia sẻ cùng các anh chị em nhân ngày đầu xuân năm mới. Chúc mọi người, mọi doanh nghiệp, các bạn đồng nghiệp Marcom sẽ tìm ra được những con đường mới của riêng mình để có nhiều sáng tạo giá trị, góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp Việt ngày càng khởi sắc, vươn xa.
Trân trọng,
BrandingvsCopywriting Team.