Thứ năm, 02/03/2023 | 21:41

Xây dựng thương hiệu nhân sự doanh nghiệp với #E

Trước hết, cần phải làm rõ, tại sao lại phải xây dựng thương hiệu nhân sự doanh nghiệp?

Đó là bởi vì, để một thương hiệu có thể tồn tại, phát triển và lan toả những giá trị cốt lõi của nó, cần một hành trình với rất nhiều trải nghiệm tại rất nhiều điểm chạm thương hiệu và nhân sự là một trong những điểm chạm quan trọng nhất của các điểm chạm quan trọng.
Nói tới điều này trước là để khẳng định, xây dựng thương hiệu không phải chỉ là thiết kế một chiếc logo thật đẹp, sáng tạo tối tạo một câu slogan thật hay, làm quảng cáo thật hot, đổ tiền làm truyền thông với tần suất dày đặc. Đấy chỉ là một phần nổi của cái gọi là xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, là câu chuyện về những giá trị bên ngoài giúp công chúng, khách hàng của thương hiệu nhận diện được thương hiệu thông qua các hoạt động truyền thông. Nhưng còn câu chuyện khác, làm nên giá trị bên trong của thương hiệu và tạo ra sự bền vững thực chất của thương hiệu. Đó là: chất lượng sản phẩm/dịch vụ như thế nào; trải nghiệm của khách hàng ra sao; vị thế của thương hiệu như thế nào trên thị trường; quy trình, quy chuẩn mà thương hiệu và đội ngũ áp dụng để thực thi sản xuất/kinh doanh/chăm sóc khách hàng là gì, có đặc trưng gì?
Và để tạo nên những giá trị bên trong đó không thể không nói tới đội ngũ nhân sự, quy chuẩn của nhân sự và văn hoá của toàn thể đội ngũ cũng như từng đội nhóm, từng cá nhân nhân sự.
Vì thế, xây dựng thương hiệu nhân sự cho doanh nghiệp là để:
—> Đảm bảo, mọi nhân sự sẽ luôn thực hiện đúng các quy chuẩn thương hiệu
—> Đảm bảo tính thực thi của các tuyên bố, thông điệp truyền thông ra bên ngoài của thương hiệu trong mọi khâu của hoạt động sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm
—> Đảm bảo rằng mọi nhân sự đều nhận thức đúng và hiểu rõ về những thông điệp đó để áp dụng vào từng công việc chuyên môn của mình.
Ví dụ: Truyền thông thương hiệu thì cứ khoe là công ty tôi rất trách nhiệm với khách hàng nhưng khách hàng khiếu nại hay gọi điện thoại đến hỏi thông tin thì phải chờ rất lâu hoặc không được trả lời ngay hoặc không được giải quyết/ trả lời thoả đáng, khiến khách hàng bực bội. Như vậy, một người nhân viên/ một nhóm nhân viên hay nhiều nhân viên làm việc không nhất quán với tuyên bố của thương hiệu sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín của toàn bộ thương hiệu, làm hỏng giá trị cốt lõi của thương hiệu.
Đó chính là lý do, xây dựng thương hiệu nhân sự là một việc vô cùng quan trọng để có được thương hiệu doanh nghiệp, từ bên trong và bền vững.
Đó cũng là lý do ý tưởng về mô hình xây dựng thương hiệu nhân sự bằng #E được hình thành.
Hãy nhìn các từ khoá bắt đầu bằng chữ #E trong hình với tư duy song hành của cả nhà quản trị, người quản lý và nhân viên, các bạn sẽ hiểu, việc cần làm để xây dựng thương hiệu nhân sự là gì?
1. Trạm khởi hành. Chúng ta sẽ bắt đầu hành trình với xuất phát điểm của một cá nhân khi họ bước vào một bộ phận/ một doanh nghiệp.
Executive: Tính thực thi
—> Điều mà thương hiệu cần chính là khả năng thực thi công việc của người đó. Nghĩa là cho dù bạn có nhiều bằng cấp, nói hay tới đâu, CV đẹp tới đâu, thì bạn có làm được việc theo các tiêu chuẩn, quy định của công ty hay không, mới là điều giúp bạn đóng góp cho thương hiệu doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa, người làm quản lý sẽ phải có lộ trình cho nhân viên để nâng dần mức độ thực thi của họ. Làm từ việc nhỏ tới việc lớn, việc ít quan trọng tới việc quan trọng, từ ít việc tới nhiều việc.
—> Muốn thực thi được, người nhân viên đó phải xác định được mục tiêu/ giải pháp.
—> Muốn thực thi đúng, người nhân viên đó phải tuân thủ các quy định/ quy chuẩn của công ty, phòng ban, đội nhóm.
—> Muốn thực thi tốt, người nhân viên đó phải không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo, rèn luyện nâng cao kỹ năng, chuyên môn của bản thân.
Emotional: Cảm xúc.
Gia nhập vào một đội ngũ, muốn đóng góp cho thương hiệu doanh nghiệp năng lực và trí tuệ, một nhân viên hay toàn thể nhân viên cần có niềm tin vào sự lựa chọn của mình, sự thấu hiểu về thương hiệu mà mình phụng sự, và sự chia sẻ trong đội ngũ.
Người nhân viên khó có thể kiên trì theo đuổi các mục tiêu và có động lực nâng cấp các năng lực thực thi của mình nếu không có trụ cột tinh thần nâng đỡ. Nếu không, sự lựa chọn rời đi sẽ rất dễ khi họ có được mức lương cao hơn, lời mời với các điều kiện hấp dẫn hơn.
—> Để nhân sự có cảm xúc dành cho công việc, họ cần được truyền lửa
—> Để nhân sự có cảm xúc với đồng nghiệp, họ cần được kết nối
—> Để nhân sự có cảm xúc với thương hiệu, họ cần được quan tâm, thậm chí, cả người thân của họ cũng cần được quan tâm.
Effect: Hiệu quả.
Dù sao thì, yêu mấy thì yêu, thực thi nhiều bao nhiêu, cũng phải dựa trên tính hiệu quả, nghĩa là mang lại lợi ích/ giá trị cho công việc, doanh nghiệp. Đây cũng chính là cơ sở để một người nhìn thấy hành trình phấn đấu của mình, là cơ sở để doanh nghiệp đánh giá năng lực và xếp hạng, nâng lương, nâng vị trí trong lộ trình phát triển tương lai.
Cho nên, nói em nhiệt tình hay em làm rất nhiều mà không có hiệu quả thì cũng vô ích. Ngược lại, nếu làm việc có hiệu quả nhưng không tuân thủ các nguyên tắc thực thi, không có cảm xúc gắn kết với thương hiệu, bảng thành tích cá nhân hay đội nhóm chỉ là những con số không hơn, không kém.
2. Trạm tiếp sức.
Sau một thời gian đã gắn bó với thương hiệu, tạo dựng và đóng góp giá trị cho thương hiệu, một hoặc nhiều nhân sự sẽ bắt đầu tiến tới những nấc thang giá trị mới của họ.
Expand: Mở rộng
Ở phía nhân sự, chính là mở rộng nhãn quan, mở rộng năng lực, mở rộng các mối quan hệ, mở rộng kết nối trong nội bộ cũng như bên ngoài, mở rộng các giá trị đã định hình sẵn trong khung giá trị của mình.
Ở phía cấp quản lý, lãnh đạo chính là tạo điều kiện để nhân sự được mở rộng phạm vi của họ, là cách để dần hướng tới việc trao quyền.
Exeprience: Trải nghiệm, kinh nghiệm
Trải nghiệm của nhân sự trong thực thi công việc sẽ giúp họ ngày càng có thêm nhiều kinh nghiệm. Đó là cơ sở để nhân sự phát huy tinh thần CSV (Create Sharing Value) trong doanh nghiệp.
Trải nghiệm mà thương hiệu tạo ra cho nhân sự sẽ giúp họ có thêm nhiều cảm xúc với thương hiệu, tạo nên tình yêu thương hiệu, lòng trung thành với thương hiệu.
3. Trạm thăng tiến
Khi đã ở vào vị trí của người quản lý, tầm nhìn, tư duy và sứ mệnh của nhân sự đã ở một tầm cao mới.
Lúc này, để có thể duy trì vị trí, thăng tiến hơn nữa cả về chuyên môn lẫn kỹ năng lãnh đạo đội nhóm, người quản lý cần:
Encourage: Khích lệ, truyền cảm hứng và được khích lệ, truyền cảm hứng.
Equity: Công bằng, minh bạch trong giao việc, tính toán hiệu quả công việc cũng như được đánh giá đúng thực lực và giá trị cống hiến một cách công bằng, minh bạch.
Empower: Trao quyền cho cấp dưới và được cấp trên trao quyền.
Ba yếu tố này là yếu tố cơ bản tạo nên nhà lãnh đạo, quản lý đội nhóm, đội ngũ thành công. Cộng thêm với các giá trị đã được bồi đắp, xây dựng từ các trạm trước đó sẽ giúp tạo nên thương hiệu người quản lý, nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp. Sứ mệnh dẫn dắt đội nhóm, đội ngũ hướng tới những giá trị cao hơn đang đợi họ ở trạm tiếp theo.
4. Trạm thành công
Để có một tổ chức thành công, một đội ngũ tạo ra giá trị thành công và những cá nhân thành công trên con đường sự nghiệp của mình, điều mà cả đội ngũ nhân sự cần là gì? Câu trả lời nằm ở tinh thần học tập và không ngừng gia tăng chuỗi giá trị.
Educate: Đào tạo
Đào tạo, huấn luyện sẽ là hoạt động giúp cho doanh nghiệp, tổ chức phát triển từ bên trong. Một tổ chức mà nhân sự cũ biết dìu dắt nhân sự mới, quản lý và lãnh đạo luôn có kế hoạch đào tạo nhân viên và toàn công ty hướng tới xã hội học tập thu nhỏ, chính là một tổ chức sẽ không dậm chân tại chỗ. Như vậy: Chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng các khung năng lực để nhân sự và đội nhóm tự nâng cấp, cập nhật các kiến thức, chuyên môn mới sẽ là việc mà doanh nghiệp cần làm.
Nhưng ở chiều ngược lại, mỗi cá nhân cũng cần tự ý thức điều này để nâng cao giá trị đóng góp của mình vào chuỗi giá trị cốt lõi chung của doanh nghiệp.
Lưu ý rằng, các nhóm nội dung đào tạo hay học tập ở đây không phải chỉ tập trung vào chuyên môn, nó bao gồm đầy đủ các mặt kỹ năng, kiến thức, đạo đức, trách nhiệm xã hội, văn hoá doanh nghiệp…
Enhance: Nâng cao
Muốn nâng cao chuỗi giá trị của doanh nghiệp, mỗi cá nhân, đội nhóm cần quay trở lại vòng lặp từ xuất phát điểm ở mức độ cao hơn, thực thi tốt hơn, giải pháp sáng tạo hơn, kinh nghiệm dày dặn hơn, năng lực mở rộng hơn, quản trị hiệu quả hơn, mục tiêu lớn hơn, sứ mệnh lan toả hơn. Ví dụ như: Cá nhân và tổ chức tham gia các hoạt động CSR như bảo vệ môi trường, từ thiện….. chính là đang nâng cao giá trị thương hiệu thông qua việc đóng góp cho những mục tiêu chung của cộng đồng, đất nước, nhân loại.
5. Trạm tương lai
E-Trend - Xu hướng số
Trong thời đại số, với sự thay đổi chóng mặt của xu hướng và công nghệ, cả tổ chức, đội nhóm, cá nhân sẽ không thể đứng ngoài guồng quay số.
Điểm chạm số
Trải nghiệm số
Công cụ số
Truyền thông số
Marketing số
Công nghệ số
Kết nối số
Kỹ năng số
Quản trị số
Tất cả những xu hướng đã, đang diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi số của mọi doanh nghiệp, tổ chức đều đòi hỏi mỗi cá nhân, đội nhóm phải không ngừng học tập và cập nhật liên tục.
Và hành trình tương lai, sẽ còn mở ra nhiều #E hơn nữa tuỳ theo mục tiêu phát triển thương hiệu của mỗi cá nhân, đội nhóm, tổ chức.
Lựa chọn #E nào trên hành trình phát triển thương hiệu nhân sự dù ở góc độ nhân sự hay nhà quản lý, cũng là sự lựa chọn dựa trên sự phù hợp, tương đồng với đặc trưng, cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh của thương hiệu doanh nghiệp và cá nhân đó.
Tin rằng, khi doanh nghiệp đầu tư cho con người, cho đội ngũ, khi mỗi cá nhân xác định hành trình phát triển bản thân của mình cần có các tiêu chí gì, khung năng lực gì, thương hiệu nhân sự của từng cá nhân, tổ chức sẽ dần hình thành, lớn mạnh. Và đó chính là cơ sở để các doanh nghiệp có được sức mạnh thương hiệu từ bên trong.
Mô hình này được anh Toan Nguyen Van cùng mình - Kawa Nguyễn thiết kế, phân tích và chia sẻ với mong giúp mọi người hình dung về hành trình xây dựng thương hiệu nhân sự cho doanh nghiệp. Hy vọng hữu ích, đặc biệt là các bạn làm HR, Truyền thông nội bộ, cấp quản lý, lãnh đạo của các doanh nghiệp.
Trân trọng,
P/s: Mọi người có thể share và xin ghi rõ nguồn khi đăng lại nhé! Cảm ơn rất nhiều.

Bài liên quan