Ngày 31/12/2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã biết về một số trường hợp viêm phổi nặng ở Vũ Hán, Trung Quốc. Bệnh viêm phổi này gây ra bởi chủng vi rút Corona mới (Covid-19), và kể từ đó đã lan đến nhiều tỉnh của Trung Quốc cũng như sang các nước khác.
Vì thế, ngày 31/1/2020, WHO đã tuyên bố dịch bệnh do Covid-19 đang xảy ra tại Trung Quốc và các trường hợp mắc vi rút này tại các quốc gia khác là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp. Tình trạng đó buộc các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng phải đánh giá và lên kế hoạch về việc Corona tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào.
Thách thức của toàn cầu hóa
Mặc dù ổ dịch đang được so sánh với dịch SARS năm 2003, nhưng bối cảnh của Trung Quốc thì đã khác. Trung Quốc hiện phát triển và hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, và quốc gia này đã cải thiện đáng kể mạng lưới giao thông, nhất là đường hàng không và đường biển so với 17 năm trước. Điều này có nghĩa tác động của chuỗi cung ứng sẽ vượt ra ngoài mối quan tâm khu vực.
Vận chuyển bị hạn chế, thiếu hụt lao động và vật liệu cũng như các khó khăn về logistics do bị kiểm soát chặt chẽ, các trung tâm vận chuyển và biên giới bị đóng cửa, sẽ khiến hàng hóa sẽ phải xếp tầng chờ thông quan. Như vậy, dịch Corona tác động lớn hơn rất nhiều so với dịch SARS năm 2003.
Corona có thể tác động đến chuỗi cung ứng như thế nào?
Mặc dù rất khó để dự báo hậu quả chính xác của dịch Corona, các tổ chức có thể bắt đầu thấy tác động trên toàn chuỗi cung ứng, bao gồm:
Nguyên vật liệu: Tình trạng thiếu nguyên vật liệu, thành phẩm đến hoặc được chuyển qua các trung tâm logistics đặt tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Lao động: Cả lao động tri thức lẫn chân tay có thể không có sẵn do kiểm dịch hoặc bệnh tật.
Logistics: Các trung tâm và mạng lưới cung ứng có thể gặp phải hạn chế về năng lực và tính sẵn có. Việc tìm các tuyến đường và phương tiện giao thông thay thế sẽ trở nên khó khăn.
Người tiêu dùng: Người tiêu dùng có thể thận trọng hơn khi mua hàng do lo ngại về việc tiếp xúc với người khác sẽ dẫn tới nguy cơ lây nhiễm Corona. Nhiều doanh nghiệp sẽ có thể chuyển sang bán hàng trực tuyến. Nhưng điều này chỉ làm mạng lưới logistics đứng trước nhiều thách thức hơn.
Chuẩn bị chuỗi cung ứng do bị gián đoạn
Khi sự gián đoạn xảy ra, các tổ chức kinh doanh dựa trên chuỗi cung ứng sẽ sử dụng những quy trình quản lý rủi ro nâng cao. Chúng bao gồm nhiều hệ thống, liên tục đo lường những chỉ số rủi ro chính rồi từ đó chuẩn bị các kịch bản đối phó với bất ổn, giúp kiểm soát các yếu tố như nguồn lao động, nguyên vật liệu, năng suất và tài chính.
Tác động của dịch Corona làm chuỗi cung ứng thiếu khả năng tiếp cận nguồn nhân lực, giảm năng suất và tạo ra sự thay đổi trong hành vi mua sắm, chi tiêu của người tiêu dùng.
Và, dù tác động đầy đủ của dịch Corona đối với chuỗi cung ứng có thể không rõ ràng trong vài tháng tới hoặc lâu hơn, nhưng nhà lãnh đạo nên thực hiện các giải pháp ban đầu ngay từ bây giờ để có thể đối phó hiệu quả với mọi sự ảnh hưởng tác động lên chuỗi giá trị.
Giải pháp mà các chuyên gia trong ngành gợi ý là một kịch bản với ba bước hành động:
Hành động ngắn hạn
Thực hiện ngay các chương trình giám sát và ứng phó tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đối với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch Corona; chuỗi cung ứng tiềm năng sẽ cần được tập trung xác định rủi ro để đưa ra giải pháp kinh doanh phù hợp. Bước tiếp theo là đảm bảo tất cả hàng tồn kho nằm trong tầm tiếp cận, được kiểm soát hoặc bên ngoài các khu vực và các trung tâm logistics bị ảnh hưởng.
Các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng nên làm việc với bộ phận pháp lý, bộ phận nhân sự của doanh nghiệp để hiểu rõ tác động tài chính của việc không thể cung cấp hàng hóa cho khách hàng, đồng thời hướng dẫn nhân viên ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Corona về phương án ứng phó.
Hành động trung hạn
Cần tập trung vào việc cân bằng cung cầu cũng như xây dựng kho đệm. Đánh giá cơ hội để đa dạng hóa nhà cung cấp. Làm việc với các bên liên quan và các nhà cung cấp chiến lược. Và, quan trọng nhất là thiết lập phương pháp quản lý rủi ro phù hợp để giám sát và chuẩn bị cho tình trạng thiếu nguyên liệu và năng lực sản xuất.
Hành động dài hạn
Một khi những tác động ban đầu của dịch Corona giảm thiểu, việc có kế hoạch dài hạn để giải quyết hậu quả do tác động tới chuỗi cung ứng là rất cần thiết. Đây chính là thời điểm để tìm kiếm và phát triển các nguồn thay thế và đa dạng hóa chuỗi giá trị; đồng thời chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó với những rủi ro tương tự có thể xảy ra.
Ngoài ra, cần giải quyết nguồn cung chiến lược và tập trung vào các nguồn cung có giá trị gặp rủi ro. Cần đảm bảo nguồn thay thế, tuyến đường hay hàng tồn kho và dự trữ tiền mặt đủ để giảm thiểu bất kỳ sự gián đoạn nào trong thời gian tiếp theo.
Nguyễn Văn Toàn
Bài đăng trên doanhnhansaigon.vn. link gốc: https://doanhnhansaigon.vn/kinh-doanh/chuoi-cung-ung-toan-cau-ung-pho-dich-corona-nhu-the-nao-1097037.html?fbclid=IwAR3WNbm31cBrU48mvNIPOn0Yx3J_npsQZO6rXzL63zsGMfiA_Ty7LlvP3ME
Brandingvscopywriting, Marcom, PR, Advertising, AI, Enterprize, Marketing, Trí tuệ nhân tạo, Internet of things, Digital Transformation, Kawa Nguyen, Toan Nguyen Van