Thứ sáu, 03/03/2023 | 00:07

Content Marketing - Những câu hỏi thường gặp (Phần 4)

Trả lời các câu hỏi thường gặp của các bạn làm Content Marketing.

Câu 12: Tại sao phải làm Content theo Chiến lược và Kế hoạch?

Có rất nhiều bạn Start Up hiện nay đang tự chủ động quản lý công việc Marcom của nhãn hàng và có nhiều bạn có kỹ năng viết tốt còn tự sản xuất nội dung luôn. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và cũng chủ động về mặt nguyên liệu nội dung. Nhưng điều này cũng có thể sẽ khiến bạn rơi vào tình trạng lúc thì có quá nhiều nội dung liên tiếp, lúc thì lại chỉ có 1 vài và thậm chí nếu các bạn bận các việc kinh doanh, bán hàng, các công việc phát sinh, sẽ không có gì để post, không nghĩ ra gì để post.

Điều này cũng tương tự với các nhãn hàng SMEs nếu không có nhân sự chuyên trách phụ trách nội dung mà việc sản xuất nội dung do bộ phận Sales kiêm nhiệm.

Tuy nhiên, nếu chúng ta coi mạng xã hội như facebook, instagram, youtube là một kênh để phục vụ cho việc bán hàng, xây dựng thương hiệu và hình ảnh, thì việc cần có một chiến lược nội dung định kỳ, với các nội dung mang tính xuyên suốt, xâu chuỗi, giúp khách hàng hiểu, biết về thương hiệu của doanh nghiệp cũng như các giá trị của sản phẩm nhiều hơn, khiến cho họ cảm thấy kênh của bạn hữu ích và tạo ra được tương tác một cách tự nhiên với họ hơn, thì việc lên một kế hoạch nội dung là điều cần có tâm thế chuẩn bị.

1. Chiến lược và kế hoạch nội dung giúp bạn sẽ không bao giờ bị đói content. Nghĩa là nếu có sự chuẩn bị trước cho khoảng thời gian ít nhất là 1 tháng tới mình sẽ up cái gì? 3 tháng tới mình sẽ up cái gì? 6 tháng tới mình sẽ up cái gì, thì kể cả lúc bận rộn hay thiếu nguồn lực, hay muốn nghỉ ngơi, hay rảnh rỗi quá bạn cũng đã có sẵn kho nguyên liệu để up lên nhằm giữ/ tạo tương tác với người dùng. Và nếu việc này được làm quen trong khoảng từ 6 tháng đến 1 năm mà số lượng sản phẩm của bạn không thay đổi là bao thì đám nguyên liệu đã chế biến sẵn đó trở thành cái kho để bạn tha hồ xào nấu lại mà không quá mất nhiều công sức cho hoạt động content. Nếu bạn mở rộng thêm ngành hàng, sản phẩm, việc có một kho nguyên liệu có sẵn cho các sản phẩm đang bán cũng giúp bạn giảm tải. Bạn chỉ phải tập trung vào sản xuất nội dung cho sản phẩm mới mà thôi.

2. Chiến lược và kế hoạch nội dung giúp bạn đo lường được nội dung nào được khách hàng tương tác nhiều, từ đó có hướng đầu tư tiếp vào nhóm nội dung/ từ khóa đó để đẩy tương tác và lập các kế hoạch tiếp theo hiệu quả hơn.

3. Chiến lược và kế hoạch nội dung sẽ giúp các bạn giao việc được cho người khác và dành thời gian cho các việc lớn hơn. Không thể giao lại việc được cho người khác là tâm lý của nhiều bạn chủ Start Up hoặc quản lý. Vì họ làm sao hiểu sản phẩm bằng mình, họ làm sao nắm được mục tiêu mong muốn của mình. Mà nếu chỉ chăm chăm đi lo sản xuất nội dung theo kiểu chạy theo mùa vụ và sản phẩm thôi thì bạn sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, đầu óc không rảnh để nghĩ các việc lớn hơn như mục tiêu phát triển của business này và cá nhân mình trong thời gian tới sẽ là cái gì? Các bước tiếp theo mình phải làm gì để phát triển và thực hiện được các mục tiêu đó.

Mình đã gặp rất nhiều các bạn Start Up cứ loay hoay mãi với việc sản xuất nội dung để bán hàng mà không thể đưa nó trở thành hoạt động định kỳ được, hoàn toàn rất ngẫu hứng và chỉ cuống lên khi có vấn đề nào đó xảy ra kiểu như: Doanh số sụt giảm, khủng hoảng truyền thông, khủng hoảng nhân sự. Lúc đó bắt đầu mới lo đi giải quyết các vấn đề về thương hiệu, truyền thông, nội dung để đẩy các thứ lên cho nó sáng, cho người ta nhận diện mình tốt hơn. Bài toán lúc này rất mệt mỏi, tốn công và nhiều khi còn chỉ được một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy. Có tâm lý này là vì phần lớn chúng ta nghĩ rằng mất thời gian, nhân sự vào content là chi phí không biết hiệu quả sinh lời như thế nào, trong khi bây giờ còn đi lo bán hàng chết thôi. Ok Fine. Điều này không sai. Nhưng nếu tư duy đầu tư cho Content là đầu tư, bạn có thể khai thác cái kho đã đầu tư đấy trong các giai đoạn tiếp theo, bạn sẽ thấy lợi nhuận của việc đầu tư ngay từ ban đầu nó không đơn giản chỉ là tiền, nó còn là thương hiệu của bạn, uy tín của bạn là sự gắn kết với khách hàng của bạn.

Hãy lập cho mình một chiến lược và kế hoạch nội dung, nếu có ít người, ít thời gian thì KPI ít đi. Nhưng tính định kỳ và thường xuyên sẽ giúp bạn kết nối tốt hơn với khách hàng. Quan trọng là nó làm bạn quên đi ý nghĩ: Không biết đăng gì lên bây giờ nhỉ!

Kawa Nguyễn

Bài liên quan

Bài liên quan