Thứ sáu, 03/03/2023 | 00:11

Content Marketing - Những câu hỏi thường gặp (Phần 3)

Trả lời các câu hỏi thường gặp của các bạn làm Content Marketing.

Câu 8: Tại sao làm content luôn phải có brief về thương hiệu của doanh nghiệp?

Trả lời: Một chiếc brief về thương hiệu doanh nghiệp sẽ cho bạn biết rõ bạn đang làm nội dung cho ai? Mỗi doanh nghiệp đều có câu chuyện riêng của họ với tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và đặc trưng riêng của thương hiệu đó. Nếu không nắm được những thông tin cơ bản này, rất có thể bạn sẽ viết những nội dung có từ khóa cu te hạt me cho một thương hiệu có định vị sang trọng hoặc ngược lại.

Câu 9: Có liên quan tới câu 8. Nhưng em đang làm content cho sản phẩm cơ mà?

Trả lời: Ok, bạn làm content cho sản phẩm thì bạn lại phải hiểu rõ về câu chuyện thương hiệu của sản phẩm đó. Tuy nhiên, vì sản phẩm cũng là một phần của doanh nghiệp nên sẽ có những giá trị chung nhất quán xuyên suốt giữa sản phẩm và thương hiệu của công ty mẹ.

Cũng có những trường hợp, công ty không xuất hiện trên truyền thông mà chỉ tập trung vào thương hiệu sản phẩm thôi. Lúc đó thì đương nhiên mục tiêu của content phải nhắm vào sản phẩm. Và câu chuyện thương hiệu ở đây chính là thương hiệu của sản phẩm. Những thông tin cần khai thác trong brief lúc này chính là định vị của sản phẩm đó, giá trị cốt lõi mà sản phẩm đem lại cho khách hàng, các thông tin tham chiếu về thị trường và insight khách hàng. Nếu không có những thông tin tham chiếu này, bạn sẽ thấy đói nội dung bất cứ lúc nào. Nhưng nếu bạn có đủ trong brief thì lúc nào cũng chỉ lo không có đủ thời gian để làm nội dung.

Câu 10: Tính cách thương hiệu là cái quái gì và tại sao content phải quan tâm đến nó. Nghe có vẻ chả liên quan.

Trả lời: Rất “quan liên” nha. Khi bạn viết nội dung cho một thương hiệu, nếu bạn biết được cá tính của thương hiệu đó, nét tính cách nổi bật của thương hiệu đó – thường là được quy chuẩn thành các cụm từ khóa, bạn sẽ biết sử dụng phong cách ngôn ngữ nào thì phù hợp với thương hiệu. Bạn sẽ có tiêu chí để lựa chọn văn phong và từ khóa sao cho phù hợp nhất chứ không lựa chọn theo cảm tính là vì em thích từ này, câu này thôi vì nó Chill. Chill cũng phải đúng chỗ ạ.

Ví dụ nhé:
Chúng ta sẽ có một nội dung gốc: "Chào buổi sáng thứ hai, chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn sản phẩm ABC sắp ra mắt của XYZ sớm thôi trong tuần này".

Nếu thương hiệu của bạn có tính cách trẻ trung, thông minh, tự tin, câu trên rất có thể sẽ là: Chúc các bạn một sáng thứ hai tuyệt vời. Hãy cùng chia sẻ từ khóa đầu bạn nghĩ tới đầu tiên hôm nay là gì? Còn Ad chỉ nghĩ tới ABC thôi, vì đây là món quà bất ngờ mà XYZ sẽ tặng bạn đó. Một chút chờ đợi nhé. Sớm thôi trong tuần này bạn sẽ nhìn thấy siêu phẩm của chúng tôi….

Nhưng nếu đây là lời chào hàng của một thương hiệu sang trọng, chỉn chu, thì rất có thể sẽ là: Xin chào các quý khách hàng của XYZ, chúng tôi rất hân hạnh được thông báo tới quý vị, sản phẩm mới ABC của chúng tôi sẽ chính thức được ra mắt trong tuần này. XYZ rất hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm và yêu mến của quý vị dành cho dòng sản phẩm mới nhất với nhiều cải tiến đột phá của chúng tôi. Trân trọng cảm ơn.

Mình chỉ ví dụ vậy thôi còn hẳn là mọi người sẽ có nhiều sự sáng tạo hơn nữa trong những trường hợp phải lựa chọn này.

Điều mình muốn nhấn mạnh qua ví dụ này, chính là mối liên hệ giữa tính cách thương hiệu (Brand Character) và phong cách ngôn ngữ của thương hiệu (Brand Tone of Voice). Hãy chú ý tới nó như một tiêu chí để lựa chọn cách diễn đạt và từ khóa cho nội dung của bạn nha!

Câu 11: Vậy làm sao có thể xác định được từ khóa thể hiện tính cách của thương hiệu?

Trả lời: À, đây là một câu chuyện dài hơn và nó đích xác là chuyện của những người làm thương hiệu. Content may mắn được làm việc với thương hiệu có sự đầu tư thì sẽ là người được thụ hưởng các giá trị quy chuẩn của thương hiệu để làm nội dung chuẩn. Nếu thương hiệu chưa xây dựng các quy chuẩn này, content nên biết để hỏi và yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp, quản lý xác định và chốt để có cơ sở bám vào làm nội dung. Nếu lãnh đạo hay quản lý không coi trọng việc này, hãy lấy thông tin về khách hàng từ bản brief để xác định xem, định vị, tính cách của nhóm khách hàng mục tiêu là gì, thì chúng ta sẽ viết nội dung theo phong cách ngôn ngữ của họ.

Câu chuyện thương hiệu là một câu chuyện dài, phức tạp và cần sự nhất quán trong tư duy từ trên xuống dưới. Nhưng nếu nó phức tạp quá thì cần đơn giản hóa mọi việc để bạn có được các tiêu chí để viết và chọn content “đúng” cho thương hiệu nha.

Chúc các bạn tuần mới nhiều năng lượng và làm việc hiệu quả.

Kawa Nguyễn

content, marketing, copywriting, content marketing, branding, marcom

Bài liên quan

Bài liên quan