Bạn không phải là đang giúp nhà thiết kế hay nhãn hàng b.á.n một mảnh vải được cắt may thành bộ trang phục. Bạn không đơn giản chỉ là người mời gọi khách hàng trả tiền mua một chiếc váy mùa hè rực rỡ, một bộ vest mùa đông lịch thiệp. Bạn là người kể chuyện về thời trang.
Thời trang, là câu chuyện hấp dẫn và sống động nhất về phong cách sống, về tính cách của người mặc, về trí tuệ của người chọn. Tuyệt vời hơn thế, đó còn là câu chuyện về những giấc mơ, hoài bão, khát vọng, về sự tự tin khẳng định định vị bản thân, giá trị con người. Sâu sắc hơn, đó là câu chuyện về văn hoá, lịch sử, trào lưu, những hình mẫu của thời đại. Đi xa hơn nữa, đó là câu chuyện về sự giao lưu, kết nối, kết hợp, học hỏi lẫn nhau giữa các quốc gia, các nền văn hoá, các loại hình nghệ thuật (hội hoạ, kiến trúc, trang sức, âm nhạc, phim ảnh). Và trên tất cả, thời trang là triết lý, là nhân sinh quan, là mỹ học, là cảm xúc, là cái ĐẸP.
Chỉ khi bạn là người đủ sâu sắc để hiểu được câu chuyện của người thiết kế, đủ kiến thức và tri thức để tham chiếu những câu chuyện thời đại, đủ tinh tế để cảm thụ cái đẹp, đủ linh hoạt để nắm bắt các xu hướng, đủ thấu hiểu để nhận biết các nhu cầu.... bạn mới biết kể chuyện về nhãn hàng hay bộ sưu tập mới nhất thế nào cho hay.
Nhiều hơn thế, bạn còn cần phải đủ nhẫn nại và chịu khó để đi theo trọn vẹn hành trình của một bộ sưu tập hay một mẫu thiết kế. Câu chuyện của bạn, có thể bắt đầu từ khi tất cả còn là một ý tưởng với từ khoá mang tính thông điệp, rồi những nét vẽ đầu tiên hình thành, và người thiết kế phải lăn lộn đi tìm được chất liệu phù hợp. Bạn phải sống trong phòng cắt may, cảm nhận vẻ đẹp của từng đường kim mũi chỉ, nhìn thấy khuôn mặt của nhà thiết kế khi nhìn ngắm tác phẩm của họ hiện diện trên người mẫu, nhìn họ chỉnh sửa, hoàn thiện từ những chi tiết nhỏ nhất như chiếc cúc áo hay bông hoa thêu tay. Rồi bạn sẽ ghi nhớ cả những khoảnh khắc đặc biệt khi bộ đồ được đặt lên kệ, trong các ô cửa kính ngoài cửa hàng, trước giờ cùng người mẫu bước vào sàn catwalk. Tất cả đều phải được đảm bảo về sự chỉn chu, không một sai sót, không còn gì phải băn khoăn. Tất cả là để chờ tới khi đèn sân khấu bật sáng, ngày ra mắt bộ sưu tập chính thức được tuyên bố, đợt bán hàng quan trọng nhất của các mùa: Xuân - Hè, Thu - Đông bắt đầu.
Nhưng câu chuyện không chỉ dừng ở đó. Thời trang sinh ra không chỉ để ngắm. Các bộ trang phục có sứ mệnh của nó là để mặc. Một sứ mệnh quan trọng hơn nó là nhận diện của một con người. Họ là ai, họ là người như thế nào, họ tạo được dấu ấn gì riêng với bộ trang phục này? Cùng một mẫu sơ mi nhưng hai mẫu màu khác nhau đã khác, hai người mặc khác nhau là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Biết được càng nhiều câu chuyện về người mặc, bạn càng là người hiểu được giá trị của mẫu thiết kế, nhà thiết kế, ý tưởng và thông điệp của trang phục.
Bạn còn phải theo dõi doanh số, các cột mốc thời gian ghi nhận kỷ lục của bộ sưu tập. Mẫu nào bán chạy, ai là khách hàng mua nhiều nhất, ai là khách hàng cần chăm sóc, ai là khách hàng mang lại phản hồi tốt, mẫu nào cần đẩy, mẫu nào cần kể thêm chuyện và tìm ra nhóm khách hàng phù hợp. Có điều gì cần phải thay đổi và rút kinh nghiệm không?
Quan sát cảm xúc và trải nghiệm của khách hàng trong quá trình trước, trong và sau khi mua hàng cũng là điều rất thú vị và cho bạn nhiều chất liệu sáng tạo. Có những khách hàng bước vào cửa hàng thời trang nhưng không biết mình thực sự muốn gì. Có rất nhiều khách hàng chưa hiểu hết về cơ thể họ. Có những khách hàng thấy thích thú khi được chăm sóc tận nơi, nhưng cũng có những khách hàng thấy ngại hoặc phiền khi được hỏi “chị cần tìm gì ạ?”. Có những khách hàng thích giảm giá, có những khách hàng bất ngờ khi được tặng quà. Có những khách hàng luôn mua khi bộ sưu tập mới ra nhưng có những người phải đợi sale mới tìm đến. Có những khách hàng gặp vấn đề với các kích thước thông thường. Có những khách hàng đi cùng người thân (vợ/chồng/ con cái). Có những khách hàng yêu quý một nhãn thời trang từ khi thanh xuân nhưng phải đợi khi đi làm vài năm có thu nhập tốt hơn họ mới tự tin bước chân vào cửa hàng mà họ từng chỉ đứng ngắm nhìn những khung cửa kính hoặc lướt qua các tấm hình trên Instagram…. Hãy cùng khách hàng trải nghiệm nhiều hơn cả trên online và offline để có thể đưa ra ý tưởng để gia tăng trải nghiệm, tạo thêm cảm xúc mang tính cá nhân hoá… để chính hành trình của họ trở thành một phần câu chuyện.
—> Sáng tạo nội dung cho thời trang có vô vàn đất diễn, chỉ là bạn có sẵn sàng xả thân trải nghiệm và tạo ra câu chuyện hay không thôi. Theo mình quan sát thì nhiều nhãn hàng, cứ mỗi mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông đi qua, chỉ thấy page lên ảnh bộ sưu tập với livestream sale off là hết việc rồi.
--> Tư duy thương hiệu rất quan trọng. Bởi vì mỗi nhãn hàng mang theo một câu chuyện, với những tâm huyết, sứ mệnh và thông điệp cụ thể hướng tới công chúng, khách hàng mục tiêu của riêng họ. Bạn không thể sản xuất nội dung cho nhãn hàng cao cấp theo phong cách xì tin và ngược lại. Bạn gọi khách hàng nam của mình lúc là quý anh, lúc là quý ông, trong khi nhãn hàng của bạn hướng tới tiêu chí thân thiện, gần gũi, sản phẩm dễ mặc và thoải mái, nghĩa là phong cách ngôn ngữ thiếu nhất quán với giá trị cốt lõi.
—> Tư duy Marketing là rất cần thiết để có thể tạo nên sự kết hợp giữa các bộ phận: Từ chiến lược, thiết kế, sản xuất, bán hàng, chăm sóc khách hàng, marcom. Tư duy Marketing cũng giúp người làm content hiểu được các nhu cầu của khách hàng tại từng điểm chạm online và offline. Người làm content marketing ngành thời trang phải hiểu được câu chuyện của sản phẩm đi qua từng điểm chạm thương hiệu và nhân sự, mới có thể kể được câu chuyện về sản phẩm một cách sống động, hấp dẫn, phong phú cả về góc tiếp cận và từ khoá.
--> Tư duy về cái ĐẸP là quan trọng nhưng phải ĐỜI để thời trang không phải là thứ góp phần làm tăng thêm các định kiến và khoảng cách xã hội.
—> Thời trang và âm nhạc, phim ảnh, nghệ thuật, du lịch, sự kiện… là những thứ rất dễ kết hợp và có thể cùng nhau tạo thành nội dung viral. Một bài hát độc quyền, ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, tài trợ diễn viên trang phục khi đóng phim, tham dự sự kiện… tạo ra hoạt động và sản phẩm âm nhạc, nghệ thuật… tất cả sẽ giúp thương hiệu của bạn viral nhanh hơn. Nhưng cũng sẽ nguy hiểm nếu không có các điều khoản cam kết để bảo vệ danh tiếng của cả hai bên.
—> Xu hướng lựa chọn KOLs, KOC (Key Opinion Consumer), trong các nhóm cộng đồng nhỏ (Micro) cũng là một cách để thời trang mang giá trị ứng dụng và dễ dàng đến với nhóm khách hàng mục tiêu hơn.
Và còn một số điều nho nhỏ: từ khoá body shaming (kiểu như thời trang cho người béo) là cần phải tránh; bắt trend với những từ khoá gây sốc, đang bão, dính vào scandal có thể giúp nhãn hàng viral nhưng chắc chắn không giúp làm nên câu chuyện của nhãn hàng hay bất kỳ ai.
Hãy luôn nhớ... thời trang giúp một người kể chuyện về chính họ. Và bạn là người kể chuyện về thời trang.
Thân mến,