Thứ hai, 03/04/2023 | 23:35

Vì sao người làm Marcom phải học phương pháp TƯ DUY?

[Thứ chúng ta cần học bây giờ không chỉ đơn giản là KỸ NĂNG, mà chính là phương pháp TƯ DUY] Bởi vì nhiều kỹ năng của con người đã, đang dần được máy móc hỗ trợ.

Tóm tắt nội dung

Khi bạn cần sản xuất những nội dung viết đơn giản để SEO cho website của một doanh nghiệp, Chat GPT có thể cho bạn một sản phẩm nội dung dùng được, chỉ cần biên tập đi chút cho đúng ngữ cảnh, thông tin của doanh nghiệp, thêm một chút trải nghiệm thực tế của người viết, người dùng, là đã có một nội dung theo đúng cấu trúc lý thuyết content. Như vậy, kỹ năng viết là một kỹ năng có thể được AI thay thế.

Để minh hoạ cho bài viết của mình, bạn cần một mẫu thiết kế hay một bức ảnh. Nếu như trước đây, người làm content sẽ phải trao đổi công việc của mình với người thiết kế trong doanh nghiệp hoặc Agency, thì giờ đây, chỉ cần một từ khoá tìm kiếm trên Canva hay các nền tảng cung cấp hình ảnh, bạn đã có một chiếc poster đơn giản đủ dùng. Kỹ năng thiết kế cũng trở nên dễ dàng với cả những người không có năng khiếu làm thiết kế.

-->

Nếu bạn còn đang tự tin vào tất cả các kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm mà mình có, nghĩ rằng đó chính là cơ sở để bạn thăng tiến, tăng lương, phát triển kinh doanh hay sự nghiệp, hãy nghĩ lại!

Bởi vì, tư duy đổi mới sáng tạo, tư duy giải pháp, tư duy thiết kế và kiến tạo các mô hình vận hành công việc mới chính là tương lai của chúng ta trong thời đại 4.0. Con người sẽ không bao giờ phải lo sợ vì những thách thức do AI tạo ra khi và chỉ khi chúng ta biết dùng tư duy sáng tạo của mình để điều khiển, khai thác AI phục vụ tốt hơn cho công việc và cuộc sống.

- Rút ngắn thời gian làm việc

- Xây dựng các quy trình quy chuẩn cho bất kỳ công việc nào

- Tạo ra các khung năng lực và tiêu chí kiểm tra đánh giá công bằng, hiệu quả

- Thiết lập tính đồng nhất trong hành động của tổ chức, đội nhóm

- Kích thích đổi mới sáng tạo

- Khích lệ sự tham gia của các bên liên quan

—> Đó sẽ là tiền đề cho tất cả những câu hỏi (5W + H): ai, cái gì, bao giờ, khi nào, tại sao và như thế nào khi bạn bắt đầu triển khai thực hiện một ý tưởng, cho ra đời một sản phẩm dịch vụ hay bắt đầu một sự nghiệp kinh doanh.

Đó cũng là tất cả những giá trị mình đúc rút được sau khi đọc xong cuốn sách: The Design Thinking Tool Box - Bộ công cụ tư duy thiết kế của Alpha Books phát hành. (Tác giả: Michael Lewrick, Patrick Link, Larry Leifer. Người dịch: Huỳnh Hữu Tài, Lê Ngọc Tuyền).

�Cuốn sách dạy chúng ta cách TƯ DUY thiết kế các mô hình ứng dụng trong công việc của bất kỳ ai. Từ chủ doanh nghiệp, người quản lý tới các nhân sự chuyên môn. Đặc biệt, với những người làm Marcom/ Content Marketing thì đây là bộ công cụ ứng dụng rất hữu ích.

Mình chỉ đơn cử một số mô hình có thể áp dụng được ngay và luôn.

1. Các mô hình thiết kế biểu mẫu phỏng vấn, nghiên cứu và tạo đề bài cho một vấn đề, một chiến dịch, một ý tưởng, một sản phẩm/ dịch vụ mới ra đời.

—> Khởi đầu của bất cứ một ý tưởng nào, đặc biệt là ý tưởng kinh doanh, ý tưởng Marcom luôn là việc bạn có bao nhiêu dữ liệu. Bởi vì những dữ liệu này sẽ là cơ sở để bạn ra quyết định lựa chọn phương án A hay B. Các mô hình thiết kế để nạp dữ liệu đầu vào trong cuốn sách khá đơn giản, dễ hiểu và dễ áp dụng. Đặc biệt là cách đặt đề bài theo tư duy đơn giản 5W + H, lối tư duy phổ biến, dễ ứng dụng và ứng dụng hiệu quả mà mình đã, đang luôn áp dụng cho các chương trình huấn luyện của BrandingvsCopywriting.

2. Mô hình Canvas giúp vẽ chân dung khách hàng hiện tại, giúp xây dựng hồ sơ người dùng

—-> Đây là một công cụ rất cần thiết cho người làm Marcom. Nếu không quan sát, nghiên cứu và vẽ lại chân dung khách hàng hiện tại của nhãn hàng, sản phẩm, người làm Marcom sẽ không có mục tiêu tiếp cận khách hàng một cách cụ thể, không có cơ sở để đưa ra các giải pháp Marcom phù hợp với nhu cầu, mong muốn, tâm lý của khách hàng.

3. Mô hình Canvas với bối cảnh thời đại và xu hướng giúp vẽ chân dung khách hàng tương lai

—> Mô hình này rất quan trọng trong thời đại ngày nay, khi mà người tạo ra/dẫn đầu xu hướng chính là người chiếm lĩnh thị phần trước tiên và nhanh nhất. Nếu không thể tạo ra xu hướng, bạn mãi mãi là người theo sau người khác.

4. Bản đồ hành trình khách hàng, Quy trình và biểu mẫu tiếp cận khách hàng theo hành trình khách hàng

—> Đây là mô hình cốt lõi đối với không chỉ người làm Marcom mà là toàn bộ các bộ phận chuyên môn, hỗ trợ trong doanh nghiệp. Thiết kế được mô hình này cho từng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, mọi bộ phận, cá nhân sẽ biết rõ vai trò, trách nhiệm của mình ở đâu, cần làm gì để có thể làm hài lòng khách hàng ở mọi điểm chạm trên hành trình của họ. Các sai sót sẽ sớm được tìm ra và có giải pháp cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo để chăm sóc khách hàng tốt hơn.

5. Mô hình giúp não công và đi tìm các ý tưởng phù hợp trong quá trình não công ý tưởng.

—> Đây là mô hình giúp việc sáng tạo có mục tiêu, có định hướng và có được các quyết định phù hợp với thời điểm cần phải ra quyết định. Nó sẽ giúp đội nhóm sáng tạo thoát khỏi cái bẫy cảm xúc, cái tôi và tìm được đồng thuận dựa trên các mục tiêu, đề bài đã đặt ra.

Tóm lại là, đây là một cuốn sách không dễ đọc đối với những người lười tư duy, nghĩa là chỉ muốn mọi thứ có sẵn để cho mình làm.

Nhưng nó sẽ rất hữu ích với những ai có tư duy quản trị, quản lý, muốn nâng tầm giá trị của bản thân, nâng cao hiệu quả công việc cả về chất lượng và thời gian. Đọc một lần có thể không hiểu ngay đâu, nhưng từ từ ứng dụng theo mô hình, não bộ của bạn, tư duy của bạn sẽ dần dần được khai mở và thay đổi.

Khi tư duy thay đổi, bạn sẽ thấy, kỹ năng, chỉ là những thứ mà chúng ta buộc phải có như một yêu cầu cơ bản trong hành trình phát triển bản thân. Tư duy và tư duy đổi mới sáng tạo, mới là chìa khoá giúp chúng ta lớn lên, khẳng định giá trị và định vị mình trong thế giới chuyển động không ngừng thời đại số.

Kawa Nguyễn