Thứ sáu, 28/04/2023 | 23:10

Khởi nghiệp có khó không?

Sự thực thì có rất nhiều bạn có sản phẩm tốt, ý tưởng kinh doanh tốt, và gặp thêm chút may mắn thời cuộc nữa, bắt xu hướng nữa, là thấy doanh thu, sự nghiệp phát triển ầm ầm. Khởi nghiệp quá thành công!

Tóm tắt nội dung
Khó gì đâu mà! Chỉ cần có một sản phẩm, một cái tên, một chút tiền, một chút máu liều, thế là lên đường thôi!
Sự thực thì có rất nhiều bạn có sản phẩm tốt, ý tưởng kinh doanh tốt, và gặp thêm chút may mắn thời cuộc nữa, bắt xu hướng nữa, là thấy doanh thu, sự nghiệp phát triển ầm ầm. Khởi nghiệp quá thành công!
Những bạn mới đầu mang niềm tin chiến thắng này thường rất tự tin vào dịch vụ, sản phẩm, ý tưởng kinh doanh của mình.
Nhưng thường thì mình sẽ gặp các bạn ở khoảng năm thứ hai hoặc thứ ba sau khi khởi nghiệp.
Nghĩa là lúc đó, khi khách hàng đã vượt quá tầm kiểm soát của bạn hoặc chững lại. Khi mà sản phẩm dịch vụ của bạn đã trở nên bão hoà hoặc bị đối thủ cạnh tranh học tập làm theo. Khi mà đội ngũ của bạn phình to ra, thị phần mở rộng, nhu cầu phát triển tăng cao.
Tất cả những điều đó kéo đến cùng lúc. Và các bạn bắt đầu hoang mang, lo lắng, cuống cuồng đi vá những lỗ hổng to đùng đang làm cho bạn bơi hết từ góc này sang góc khác mà vẫn không biết nên bắt đầu vá từ đâu. Lỗ hổng như vết dầu loang, đi từ khía cạnh này tới vấn đề khác. Cơn hoang mang của các bạn Founder/CEO, đặc biệt là Founder/CEO trẻ cũng loang như vết dầu.
Phần lớn các bạn Founder/CEO mà mình đã từng coach đều mô tả rất chính xác tình trạng trên. Mình đã nghe quen tới mức họ nói được khoảng 3 câu là mình đọc lại toàn bộ “bệnh án”. Một điều lạ là hầu hết đều giống nhau. Không có nền tảng vững chắc của thương hiệu. Không có bản đồ hệ thống giá trị cốt lõi của thương hiệu và các quy chuẩn của thương hiệu, dịch vụ một cách đúng nghĩa. Tất cả đều chỉ dừng lại ở mức nghĩ gì làm đấy, phát hiện ra cái gì thì chuẩn hoá cái đấy. Những góc nhìn rời rạc và không có bức tranh tổng thể cùng tư duy hệ thống hoá. Dẫn đến hậu quả là bịt được chỗ này lại hở ra chỗ khác. Founder/CEO suốt ngày lo đi chữa lỗi, tìm lỗi, tìm khách mới, tăng doanh số bằng mọi cách mà không còn thời gian cho các giải pháp kinh doanh, đổi mới sáng tạo hay thay đổi từ chính cái gốc của thương hiệu là tư duy về mô hình kinh doanh, xây dựng và củng cố thương hiệu, phát triển đội ngũ.
Một vòng luẩn quẩn. 

Một hành trình phải trả giá bằng tiền, nhân sự và thời gian.
Mà lý do thì rất đơn giản. Đó là các bạn ham tăng trưởng nóng. Bỏ qua giai đoạn xây nền tảng trong thời gian đầu. Để đến lúc mọi thứ đã thành thói quen, lối mòn, mới đi sửa chữa, xây lại từ đầu. 

Các bạn thử nghĩ xem, đầu tư học tập, tìm tư vấn để có tư duy, định hướng xây dựng thương hiệu từ những ngày đầu, hay để đến khi vấp rồi mới đi xây lại? Cái nào hơn?
- Mở một công ty không khó, xây dựng thương hiệu mới khó
- B.á.n một sản phẩm/ dịch vụ không khó, tạo ra giá trị cho sản phẩm đó mới khó.
- Có một tập khách hàng không khó, làm họ hài lòng cũng không phải điều gì quá khó. Tạo cho họ trải nghiệm, cảm xúc, khiến họ trung thành với bạn, yêu mến và trở thành đại sứ giúp lan toả thương hiệu của bạn mới khó.
Thế cho nên, khi quyết định khởi nghiệp, hãy dành thời gian nghĩ thêm một chút về các câu hỏi:
1. Mô hình kinh doanh của bạn là gì?
2. Concept thương hiệu + Concept sản phẩm + Concept dịch vụ là gì?
3. Giá trị khác biệt lớn nhất tạo nên lợi thế cạnh tranh của bạn là gì?
4. Tập khách hàng mục tiêu, tiềm năng của bạn là ai, ở đâu, có nhu cầu như thế nào, thói quen tiêu dùng của họ ra sao?
5. Quy trình, quy chuẩn để đảm bảo các giá trị của bạn cũng như đáp ứng được nhu cầu, xu hướng của khách hàng là gồm những gì? (Chẳng cần phải cao xa gì đâu, viết vài gạch đầu dòng ra một tờ giấy cũng được)
6. Điểm chạm và Trải nghiệm độc đáo nào bạn có thể tạo ra cho khách hàng trên hành trình của họ?
7. Các chiến lược Marcom dài hạn, ngắn hạn của bạn là gì?
8. Các chính sách quản lý và chăm sóc khách hàng của bạn là gì?
9. Bạn đào tạo gì cho những người đi cùng bạn để họ tạo ra giá trị cho thương hiệu này?
10. Mục tiêu tiếp theo là gì?
(Nhìn vào danh sách này thì các bạn sẽ thấy cái mục Marcom nó chỉ là một phần trong câu chuyện)
Nếu bạn nghĩ cứ có tiền, có một ý tưởng kinh doanh, đầu tư mặt bằng, thuê người về làm, là xong việc của một Founder/CEO, phần còn lại đã có đội ngũ quản lý và nhân viên lo. Hãy đọc thêm các sách về quản lý, lãnh đạo để hiểu rằng, xây dựng thương hiệu hay kinh doanh, thực ra là một câu chuyện dài. Nó cần bạn đặt trọn tâm huyết, trái tim, trí tuệ và sự đầu tư của mình vào đó.